KHÔNG GIAN KINH TẾ BIỂN – “BÁU VẬT” CẦN PHÁT HUY
Khác với trên đất liền, không gian kinh tế biển
rộng mở, khá đa dạng và luôn tác động tương hỗ nhau cả về mặt tự nhiên và phát
triển theo các cấp độ khác nhau. Từ quan niệm như vậy sẽ thấy tiềm năng không
gian biển cho phát triển kinh tế biển nước ta còn rất lớn, tập trung vào các mảng
không gian chính yếu: (1) không gian vùng ven biển (duyên hải), (2) không gian
biển, (3) không gian đảo và (4) không gian đại dương. Đối với kinh tế biển cả
04 mảng không gian này đều rất quan trọng vì nó cung cấp những tiền đề, tiềm
năng và lợi thế khác nhau cho phát triển kinh tế biển.
Thứ nhất, “dải
ven biển” là không gian chuyển tiếp giữa lục địa và biển, dải ven biển luôn chịu
tác động tương tác qua lại giữa các quá trình lục địa và biển. Năng lực nội
sinh và nhu cầu nội vùng ở dải ven biển nước ta rất đáng kể: tập trung đa dạng
các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ thống tài nguyên và hệ sinh thái quan
trọng bậc nhất tạo tiền đề cho phát triển đa ngành, đa mục tiêu. Nơi đây tập
trung khoảng trên 50% dân số cả nước (tính cho các tỉnh ven biển) và khoảng 30%
(tính cho các huyện ven biển); khoảng 50% các đô thị lớn với kết cấu hạ tầng
ngày càng hiện đại và nhiều khu công nghiệp lớn đang được đầu tư phát triển mạnh,
trong đó có ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Một dải đất hẹp với bờ biển
dài như vậy (trên 3260 km) vừa có lợi thế trong phát triển kinh tế vừa là khu vực
phòng thủ đất nước mang tính chiến lược. Để phát huy thế mạnh và hạn chế điểm yếu,
việc đa dạng hoá các loại hình phát triển đối với các vùng tự nhiên-sinh thái
ven biển khác nhau về bản chất là một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Nói cách
khác phải tạo ra lợi thế và “đặc sản” vùng miền trong quá trình phát triển để
tránh các “hội chứng xấu” trong phát triển.
Dải ven biển
được xem là vùng kinh tế động lực, có khả năng phát triển nghiều ngành, nghề
khác nhau (du lịch, cảng biển, thủy sản, khai khoáng,…), cho nên đầu tư vào khu
vực này một cách hiệu quả sẽ tạo ảnh hưởng lan toả hỗ trợ cho phát triển vùng nội
địa (khu vực trung du-miền núi), đồng thời tạo cơ sở cho phát triển một nền kinh
tế biển hiệu quả lâu dài. Đặc biệt cần chú ý đến phát triển dịch vụ cảng “quá cảnh”
đối với các nước hoặc vùng lãnh thổ không có biển lân cận nước ta và vùng nội địa
rộng lớn của khu vực các nước ASEAN, cũng như các dịch vụ hàng hải và tìm kiếm
cứu nạn trên Biển Đông. Điều này tạo ra tiền đề cho việc hoạch định một chiến
lược kinh tế biển tầm cỡ gắn với một nền quốc phòng và an ninh trên biển vững
chắc, phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển. Dải ven biển còn là
“bàn đạp” tiến ra biển, là hậu phương hỗ trợ các hoạt động ở các vùng biển xa bờ
thông qua các trung tâm kinh tế trên các hải đảo. Cho nên, dọc ven biển phải kiến
tạo được các cực phát triển mạnh, hướng biển (các đô thị lớn và trung tâm kinh
tế, văn hoá, xã hội,... ven biển) có bán kính ảnh hưởng rộng ra biển, có khả
năng đối trọng với các cực phát triển lớn trong khu vực Biển Đông, và các hành
lang/tam giác kinh tế tăng trưởng ven biển.
Vùng nước lợ
cũng là mảng không gian thuộc dải ven biển có diện tích hẹp, nhưng cực kỳ quan
trọng đối với phát triển “quỹ đất dự phòng quốc gia” và thuỷ sản bền vững. Đây
là nơi cư trú tự nhiên, nơi sinh đẻ và ươm Nữôi ấu trùng của nhiều loài thuỷ
sinh vật không chỉ ở ngay vùng này mà còn từ ngoài khơi vào theo mùa (90% các
loài thuỷ sản sống ở vùng biển thềm lục địa và biển xa có tập tính gắn bó với
vùng nước cửa sông, ven bờ). Các hệ sinh thái quan trọng (rạn san hô, thảm cỏ
biển, rừng ngập mặn...) đều tập trung ở vùng này đã cung cấp tiềm năng bảo tồn
đa dạng sinh học (ĐDSH) biển và nguồn giống hải sản tự nhiên cho nghề khai thác
và Nữôi trồng thuỷ, hải sản. Chúng có tính liên kết (connectivity) sinh thái tự
nhiên mật thiết với nhau và tạo ra những “dây xích sinh thái” quan trọng đối với
toàn vùng biển, mà một trong các mắt xích bị tác động sẽ ảnh hưởng đến các mắt
xích còn lại.
Ở nước ta,
diện tích có khả năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) ở vùng triều khoảng
1.130.000 ha, diện tích trồng lúa, cói và làm muối hiệu quả thấp ở ven biển có
thể chuyển đổi sang NTTS khoảng gần 500.000 ha. Diện tích các vùng đầm phá tập
trung ở các tỉnh miền Trung (từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận) có khả năng phát
triển thuỷ sản khoảng 12.000 ha. Ngoài ra, có khả năng đưa 20.000 ha vùng bãi
ngang sát biển vào NTTS với điều kiện phải bảo vệ nguồn nước ngầm ngọt khan hiếm
ở ven biển. Thời gian qua, NTTS nước lợ được tiến hành ở vùng ven biển đã đóng
góp gần 60% tổng sản lượng thuỷ sản toàn quốc, góp phần đáp ứng khoảng gần 40%
lượng protein động vật cho người dân. Với tiềm năng phong phú và đa dạng như vậy,
dải ven biển nước ta tập trung sôi động các hoạt động phát triển, là nơi phát
triển đa ngành, kéo theo nhu cầu liên kết vùng và giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích
trong phát triển và phải được quản lý dựa vào hệ sinh thái.
PHẠM ĐI
Nhận xét
Đăng nhận xét