HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG VỀ “KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO

Lãnh đạo là quá trình tương tác giữa chủ thể lãnh đạo và khách thể lãnh đạo trong một xã hội nhất định ở một hoàn cảnh nhất định, thông qua các phương thức khác nhau như làm gương, thuyết phục, mệnh lệnh, cạnh tranh, hợp tác nhằm thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Trong quá trình tương tác này, người lãnh đạo có vai trò rất lớn, trong đó có việc xác định tầm nhìn và động viên, khích lệ, định hướng cho người khác nhận thấy được tầm nhìn và cùng phối hợp thực hiện các mục tiêu đặt ra.

Để thực hiện được những mục tiêu mà tổ chức đặt ra, không những đòi hỏi người lãnh đạo phải có cái “tâm”, cái “tầm” mà cần phải có những kỹ năng lãnh đạo một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và đặc biệt là phải phù hợp với điều kiện, chức danh, yêu cầu của công việc hiện hữu.

Kỹ năng lãnh đạo là khả năng vận dụng những kiến thức lý thuyết, cách thức hành động, kinh nghiệm đã có để thực hiện các hoạt động lãnh đạo phù hợp với điều kiện cụ thể và mang lại kết quả tốt nhất. Một người lãnh đạo, quản lý được gọi là có kỹ năng lãnh đạo cũng đồng nghĩa với việc chủ thể đó hiểu biết thấu đáo về hoạt động lãnh đạo (hiểu được mục đích, cách làm, điều kiện cần có để thực hiện được các hoạt động) và có thể tiến hành hoạt động đạt kết quả tốt (tốt nhất có thể).

Từ những khái niệm về kỹ năng nêu trên, kỹ năng lãnh đạo được thể hiện: (1) là quy trình hành động gây ảnh hưởng đến khách thể lãnh đạo (người bị lãnh đạo) của chủ thể lãnh đạo; (2) là quá trình người lãnh đạo vận dụng tri thức và sự thuần thục các kỹ thuật, thao tác hành động lãnh đạo (kỹ xảo gây ảnh hưởng); (3) là khả năng đem lại hiệu quả trong hoạt động của người lãnh đạo trong những điều kiện thực tiễn nhất định.

Tóm lại, kỹ năng lãnh đạo là một quy trình hành động của người lãnh đạo (chủ thể lãnh đạo) gây ảnh hưởng đến khách thể lãnh đạo, biểu hiện ở khả năng vận dụng tri thức, kỹ xảo hành động để đạt được kết quả trong những điều kiện nhất định[1].

Tùy theo cách tiếp cận có thể phân chia các kỹ năng lãnh đạo thành các loại (kiểu) khác nhau. Hiện có một số cách phân loại kỹ năng như sau:

- Căn cứ vào nội dung của kỹ năng, người ta chia làm ba loại kỹ năng lãnh đạo: (1) kỹ năng kỹ thuật là khả năng sử dụng tri thức, các phương pháp và công cụ lãnh đạo cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ nhất định có được từ giáo dục, đào tạo và huấn luyện; (2) kỹ năng làm việc với con người là khả năng hoạt động trí tuệ của con người, thiết lập các mối quan hệ và thông qua con người để thực hiện các mục tiêu của tổ chức; (3) kỹ năng lý luận là khả năng hoạt động trí tuệ của người lãnh đạo, cho phép người lãnh đạo hiểu được tính phức tạp, thách thức, đề ra tầm nhìn, chiến lược vận động và phát triển của tổ chức[2].

- Căn cứ vào định hướng phát triển kỹ năng lãnh đạo, chia làm hai nhóm kỹ năng: (1) nhóm kỹ năng cơ sở là những kỹ năng nền tảng, cần thiết giúp người lãnh đạo phát triển bản thân, hình thành các phẩm chất tâm lý cơ bản của người lãnh đạo. Ví dụ: kỹ năng nhận thức (quan sát, ghi nhớ, tư duy lôgíc, biện chứng, hệ thống...), kỹ năng định vị bản thân (hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, vai trò, vị trí của mình trong các mối quan hệ xã hội), quản lý bản thân (trên cơ sở định vị bản thân có kế hoạch phát triển bản thân và kiên trì, kiên quyết thực hiện biết tự kiểm soát bản thân để đạt mục tiêu cuộc sống)...; (2) nhóm kỹ năng cơ bản là các kỹ năng giúp người lãnh đạo thể hiện sự ảnh hưởng của mình đến đối tượng lãnh đạo nhằm thực hiện các nhiệm vụ lãnh đạo.

Nhóm kỹ năng này, tùy vào đối tượng của việc giải quyết các nhiệm vụ mà tiếp tục chia làm hai nhóm kỹ năng cụ thể: (1) nhóm kỹ năng làm việc với con người là những kỹ năng giúp chủ thể thể lãnh gây dựng, củng cố và phát triển các mối quan hệ xã hội tích cực giữa bản thân và những người khác, khiến cho những người khác sẵn sàng hợp tác, ủng hộ chủ thể để cùng thực hiện các mục tiêu chung hoặc mục tiêu riêng của chủ thể đó. Đây là kỹ năng cần thiết đối với những người mà tính chất công việc của họ đòi hỏi phải thường xuyên làm việc, tiếp xúc với người khác. Vì vậy, đối với hoạt động lãnh đạo, muốn thành công chắc chắn phải rèn luyện các kỹ năng thuộc nhóm này vì nhà lãnh đạo chỉ có thể thành công thông qua những người khác. Các kỹ năng thuộc nhóm này có thể liệt kê: kỹ năng thiết lập và duy trì các mối quan hệ, kỹ năng gây ảnh hưởng, kỹ năng huấn luyện và phát triển cộng sự, phát triển nhóm, đánh giá và sử dụng con người, động viên và khích lệ người khác, xây dựng văn hóa tổ chức, giao tiếp, nói trước công chúng...; (2) nhóm kỹ năng giải quyết vấn đề là những kỹ năng giúp cho chủ thể lãnh đạo có hành động hợp lý và hiệu quả, mang lại lợi ích cho tổ chức, cộng đồng khi phải đối diện với hàng loạt vấn đề đã, đang và sẽ nảy sinh trong cuộc sống đòi hỏi nhà lãnh đạo và cộng sự phải giải quyết. Các kỹ năng thuộc nhóm này như: nhận diện bối cảnh và dự báo xu hướng vận động của xã hội, xác định tầm nhìn tương lai của tổ chức, truyền cảm hứng về tầm nhìn, lập kế hoạch chiến lược, tổ chức thực hiện chiến lược, hoạch định và thực thi chính sách, ra quyết định, xử lý tình huống khẩn cấp/khủng hoảng...[3].

- Căn cứ vào tính chất của kỹ năng mà người lãnh đạo sử dụng, có thể chia thành hai nhóm: (1) nhóm kỹ năng lãnh đạo cứng là khả năng chuyên môn, kỹ thuật gắn với một nghề nghiệp nhất định; các phương pháp và kỹ thuật được sử dụng trong quản lý theo một quy trình (ra quyết định, tổ chức, giám sát, kiểm tra). Kỹ năng cứng thường gắn liền với quá trình đào tạo chuyên môn, kỹ thuật ở trường; quá trình thực hiện gắn liền với một quy trình đòi hỏi độ chính xác cao và tuân thủ những quy định nghiêm ngặt; (2) nhóm kỹ năng lãnh đạo mềm là khả năng của người lãnh đạo thực hiện sự kiểm soát làm chủ và phát triển bản thân; thiết lập và duy trì sự ảnh hưởng lên người khác nhằm thực hiện các mục tiêu của tổ chức. Kỹ năng mềm thường gắn liền với quá trình tự đào tạo, tự rèn luyện của cá nhân người lãnh đạo; quá trình thực hiện kỹ năng mềm gắn liền với kinh nghiệm và thái độ của cá nhân trong môi trường lãnh đạo.

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, người lãnh đạo, quản lý không những có kiến thức, thái độ, tố chất mà còn phải có những kỹ năng để điều hành, chỉ đạo, quản lý một cách tốt nhất, mang lại hiệu quả công việc cao nhất, phù hợp với điều kiện thực tế và vị trí công việc của mình nhất. Tất cả những kỹ năng đề cập ở trên đều rất cần thiết đối với người lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, đối với một người lãnh đạo, tùy theo tính chất công việc, lĩnh vực công tác, đặc thù vùng miền, yêu cầu thực tiễn, vấn đề mới phát sinh... mà mỗi kỹ năng hay nhóm kỹ năng có ý nghĩa, vai trò khác nhau; tính chất quan trọng cũng khác nhau.

Tóm lại, kỹ năng lãnh đạo là khả năng vận dụng những kiến thức lý thuyết, cách thức hành động, kinh nghiệm đã có để thực hiện các hoạt động lãnh đạo phù hợp với điều kiện cụ thể và mang lại kết quả tốt nhất. Người lãnh đạo có kỹ năng lãnh đạo có nghĩa là có hiểu biết thấu đáo về hoạt động lãnh đạo (hiểu mục đích, cách làm, điều kiện cần có để thực hiện được hoạt động) và có thể tiến hành hoạt động theo đùng yêu cầu, đạt kết quả tốt[4].

Phạm Đi



[1] Xem Nguyễn Đình Phong: Khoa học lãnh đạo, những kỹ năng và công cụ, Nxb.Lý luận chính trị, H.2015, tr.15.

[2] Xem Nguyễn Đình Phong: Khoa học lãnh đạo, những kỹ năng và công cụ, Nxb.Lý luận chính trị, H.2015, tr.16-18.

[3] Xem Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình cao cấp lý luận chính trị - Khoa học lãnh đạo, Nxb.Lý luận chính trị, H.2018, tr.178-179.

[4] Xem Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình cao cấp lý luận chính trị - Khoa học lãnh đạo, Nxb.Lý luận chính trị, H.2018, tr.177.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ