XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ, NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Xây dựng chính
quyền đô thị (CQĐT) hay kiến lập một thể chế quản lí kiểu mới về đô thị (ĐT) phải
vừa phù hợp với tình hình quản lí hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa lại vừa
đảm bảo mục tiêu quản lí của Nhà nước trong điều kiện hiện hữu (điều kiện cơ sở
hạ tầng, điều kiện về trình độ quản lí, điều kiện về dân số, văn hóa, thể chế…).
Đối với nước ta nói chung, với TP.HCM nói riêng, đây là một vấn đề hoàn toàn mới
mẻ, có tác động lớn và chưa có tiền lệ trong lịch sử quản lí đô thị. Chính lẽ
đó, cần có những bước đi thận trọng, chắc chắn; cần có những nghiên cứu thật
khoa học và tỉ mỉ, trên cơ sở kế thừa những thành tựu quản lí ĐT từ các mô hình
khác nhau trên thế giới, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa và
cả điều kiện về thể chế chính trị của Việt Nam.
Từ những tồn tại hiện hữu…
Theo thống kê,
dân số bình quân trên địa bàn thành phố năm 2012 ước hiện có 7.750,9 ngàn người;
khu vực thành thị là 6.433,2 ngàn người, tăng 2,9%. Tỷ lệ tăng cơ học 18,9‰; tỷ
lệ tăng tự nhiên dân số 9,6‰.[1] Như vậy, dân số nông thôn chiếm khoản 17% tổng dân số.
Ngoài ra, tình hình dân cư phân bố không đều giữa các quận huyện: ở các quận
4,5,11 mật độ dân số lên đến 40.000 người/ km2, trong khi đó các các
huyện ngoài thành như Cần Giờ chỉ khoảng 89 người/ km2. Theo tính
toán, mỗi năm thành phố (TP) này cần khoảng 200.000 lao động nhưng mỗi năm số
lượng người bước vào tuổi lao động chỉ khoảng 86.000 người[2]. Một TP có quy mô dân số và nhu cầu về nguồn lực lao động
hết sức lớn như vậy sẽ tạo nên một sức ép khổng lồ về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ
công cũng như về điều kiện về y tế, giáo dục, giải trí,… Trong khi đó, sức chịu
tải của hạ tầng ĐT là có hạn, năng lực quản lí ĐT còn hạn chế, phương thức quản
lí đô thị trong lĩnh vực thị chính còn nặng về hành chính và tư duy quản lí kiểu
“làng xã”. Từ đó, xuất hiện sự mâu thuẫn
giữa sự gia tăng dân số và sức tải hạ tầng ĐT; giữa nhu cầu về nguồn nhân lực
nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng với sự cung ứng nguồn nhân lực
từ thị trường lao động và sự di dân; giữa năng lực tổ chức và quản lí ĐT của đội
ngũ quản lí hiện hữu với nhu cầu và đòi hỏi của phương thức quản lí ĐT kiểu mới;giữa
cơ cấu kinh tế-xã hội hiện hữu với năng lực và trình độ điều hành của đội ngũ
quản lí ĐT, giữa trình độ quản lí ĐT lạc hậu với nhu cầu hiện đại hóa, quốc tế
hóa về phương thức quản lí phù hợp với tốc độ đô thị hóa cao của chính ĐT này.
Tất cả những mâu thuẫn này, vô hình chung tạo nên một sức ép không nhỏ khi phải
tiến hành xây dựng và vận hành một chính quyền đô thị, điều này buộc nhà lãnh đạo,
quản lí và các chuyên gia về đô thị cần phải tính toán, cân nhắc để khắc phục.
Đó là vấn đề tồn tại thứ nhất.
Thứ đến, hệ thống chính sách liên quan đến quản
lí ĐT, quản lí thị chính còn chồng chéo, không rõ ràng, còn tồn tại nhiều bất cập.
Cần thừa nhận một thực tế là, tình trạng lộn xộn trong xây dựng như xây dựng
trái phép, không phép, không tuân thủ theo các quy tắc xây dựng, xây dựng tự
phát…là những hiện tượng khá phổ biến của TP.HCM. Phát biểu trước tình trạng lấn
chiếm sông rạch ở TP.HCM ông Phạm Xuân Ái, Trưởng Ban kinh tế ngân sách, HĐND
thành phố khẳng định: “Lấn chiếm sông rạch
ở TP HCM do quản lý lỏng lẻo”[3]. Quan sát thấy, tình trạng sang nhượng trái phép, lấn
chiếm đất đai (và sông rạch), xây dựng “chui” và hình thành nên những “xóm liều”,
“khu nhà ổ chuột tự phát”, “nhóm nước đen”… đã trở nên khá “quen thuộc” với
thành phố này.
Theo thống kê
của Sở Địa chính - Nhà đất TP.HCM, hiện trên các kênh, rạch trong nội thành có
khoảng 30.000 căn nhà sàn, nhà nổi với hơn 200.000 nhân khẩu sinh sống. Tại bãi
ghe đường Đinh Bộ Lĩnh thuộc phường 26, quận Bình Thạnh, có khoảng 30 ghe đang
neo đậu. Hầu hết số ghe đã mục rệu, được chắp vá, che chắn tạm bợ đủ kiểu bằng
những tấm giấy dầu, ván ép, bìa cáctông... Còn tại tổ 16, khu phố 2A dọc theo
đê Bà Láng còn có hơn 230 căn nhà sàn lụp xụp hình thành do lấn chiếm từ những
năm 1991, 1992 vẫn không được giải quyết triệt để. Ông Cao Hoài Sơn, Phó chủ tịch
UBND phường 26, quận Bình Thạnh, cho biết: "Thẩm quyền của phường có hạn, do đó không thể ra quyết định cưỡng chế,
giải toả mà phải chờ quận"[4]. Đó là những tồn tại và bất cập trong công tác quản lí
đô thị và phân cấp quản lí: quản lí vừa lỏng
lẻo và chồng chéo, thiếu đồng bộ và phân cấp giữa các địa phương và cơ quan hữu
quan, hệ thống quản lí thị chính còn bất cập về chức năng, nhiệm vụ dẫn đến
tính phối hợp và hiệu quả kém. Đây chính là một tồn tại hiện hữu nữa của
thành phố này khi phải tiến hành xây dựng chính quyền đô thị.
Thứ ba, khi tiến
hành xây dựng chính quyền đô thị, điều tiên quyết là phải kiện toàn hệ thống
pháp luật, pháp quy và những quy định liên quan. Trong đó là những quy định hết
sức cụ thể và rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí trong hệ thống quản
lí từ Thị trưởng, Hội đồng thị trưởng, Ban cố vấn đến các cơ quan giúp việc cho
thị trưởng. Trong điều kiện hiện hữu của TP.HCM, cần phải giải quyết tốt các mối
quan hệ giữa cơ cấu tư pháp, cơ cấu hành chính, cơ cấu các cơ quan đại diện của
thành phố; mối quan hệ giữa các đoàn thể xã hội, tổ
chức chính đảng và cơ cấu nhà nước; Mối quan hệ giữa cơ cấu nhà nước cấp quận,
khu trực thuộc và cơ quan nhà nước… Thế nhưng, thừa nhận một thực tế hiện nay ở
TP.HCM là, các văn bản liên quan đến quản lí đô thị, đến quản lí thị chính còn chồng
chéo, còn tồn tại mâu thuẫn giữa những văn bản quy định giữa các ngành, giữa cấp
dưới và cấp trên (cấp phường/xã với cấp quận/huyện hay TP), giữa cái mới và cái
cũ. Đó là chưa kể đến việc ban hành những văn bản thiếu tính khả thi, không phù
hợp với tình hình thực tiễn địa phương gây những khó khăn nhất định trong công
tác điều hành, quản lí đô thị và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế
xã hội của thành phố[5].
Thứ tư, hiện nay đội ngũ cán bộ công chức của TP còn
thiếu tính chuyên nghiệp, trình độ, năng lực, nghiệp vụ nói chung, trình độ và
kĩ năng quản lí ĐT nói riêng còn yếu. Trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ
quản lí quyết định đến hiệu suất thậm chí đến sự thành bại của bài toán quản lí
và phát triển đô thị. Khi xây dựng và thực thi kiểu quản lí chính quyền đô thị
thì điều này càng trở thành yếu tố sống còn. Hiện tại, công tác quy hoạch, đào
tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ còn bất cập, chưa theo kịp với yêu cầu thực tế.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ TPHCM, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm TPHCM chi ngân
sách từ 13.000 đến 17.000 tỷ đồng để đưa đi đào tạo trong và ngoài nước hơn
30.000 cán bộ, công chức (CBCC). Thế nhưng, đội ngũ CBCC hiện mới chỉ đáp ứng
được hơn 60% yêu cầu công việc đặt ra. Đặc biệt, tỷ lệ CBCC không đủ trình độ,
nhất là ở cấp xã còn khá cao (với khoảng hơn 30%)[6]. Đây được coi là lực cản rất lớn cho tiến trình cải cách thủ tục hành
chính theo hướng hiện đại, đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế và thực thi quản
lí theo kiểu CQĐT. Hơn nữa, đại bộ phận cán bộ quản lí thị chính còn chưa được
đào tạo chuyên nghiệp về quản lí đô thị, chưa thích ứng kịp với phương thức quản
lí kiểu mới. Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng, quan liêu, thoái hoá biến chất
trong đội ngũ công chức còn diễn ra và còn có trường hợp chậm xử lí hoặc xử lí không
đến chốn làm người dân chưa cảm thấy “hài lòng” thậm chí mất niềm tin vào năng
lực điều hành của chính quyền, là những tồn tại cần được thẳng thắn nhìn nhận
và khắc phục.
Thứ năm, bất luận thế nào, thị dân luôn là chủ thể của
một đô thị, tố chất của thị dân chính là “linh hồn và năng lượng” của một đô thị
hiện đại. Với một thành phố mà tỉ lệ dân nhập cư chiếm khoảng 30% tổng dân số với
thành phần đa dạng về nghề nghiệp, lứa tuổi, tín ngưỡng tôn giáo và khoảng 17%
dân số nông thôn thì khi xây dựng CQĐT cũng cần đưa ra những biến số về tố chất
dân số. Cần thừa nhận một thực tế là, tố chất thị dân của cư dân TP.HCM vẫn còn
bị chi phối bởi lối sống tiểu nông, ý thức tuân thủ pháp luật hạn chế, tính
tích cực xã hội chưa cao, nếp sống văn minh đô thị chưa trở thành nếp sống thường
nhật,… Chính những yếu tố này tạo nên một
áp lực không nhỏ về bài toán quản lí và công tác thực thi phương thức quản lí
CQĐT.
Đến bài toán xây dựng một chính
quyền đô thị ở TP.HCM
Xây dựng chính quyền đô thị mà bản chất của nó là thay
đổi phương thức quản lí ĐT, quản lí thị chính nhằm phù hợp với tình hình mới là
việc làm cần thiết, phù hợp với nguyện vọng, mục tiêu xây dựng một TP.HCM văn
minh, hiện đại. Tuy nhiên, nó cũng phải có những điều kiện về thời gian, nhân lực,
vật lực; cần tuân thủ những nguyên tắc và có bước đi thích hợp.
Trong điều kiện hiện nay, TP.HCM một mặt cần khắc phục
những tồn tại, hạn chế và yếu kém nêu trên, mặt khác cần tạo ra những nhân tố mới
về cơ chế, quản lí, môi trường đầu tư, sự ủng hộ và hưởng ứng của nhân
dân,…thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng mô hình và vận hành cơ chế quản lí
CQĐT. Do đó, trong điều kiện hiện nay, để tiến hành xây dựng (thí điểm) mô hình
quản lí kiểu CQĐT, TP.HCM phải bắt tay kiện toàn những phương diện sau:
Thứ nhất, kiện toàn
và đổi mới cơ chế quản lí ĐT tiến đến hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lí
ĐT. Một chính quyền đô thị hoạt động có hiệu quả hay không, có đáp ứng được nhu
cầu và nguyện vọng của nhân dân hay không, điều tiên quyết là nó được vận hành
trên một nền tảng luật pháp mạnh, chặt chẽ, dân chủ và hiệu quả. Hệ thống pháp
luật trong CQĐT cần phải đủ độ “mở” để nâng cao mức độ dân chủ, cho phép các tổ
chức chính trị-xã hội, tổ chức dân sự, các tổ chức quần chúng và cá nhân tham
gia vào quá trình vận hành và quản lí đô thị theo hướng xã hội hóa, nhưng đồng
thời cũng “khép” chặt sự lạm quyền, đặc quyền hay chuyên quyền của một số bộ phận,
cán bộ, công chức có những biểu hiện lệch lạc trong quản lí để trục lợi. Do đó,
hệ thống pháp luật và pháp chế của chính quyền đô thị cần phân định hết sức rạch
ròi quyền và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm của các tổ chức và công dân; giữa
Thị trưởng và Hội đồng thị trưởng, các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ
quốc, các đoàn thể,…
Thứ hai, kiện toàn
tổ chức bộ máy vận hành quản lí đô thị theo hướng gọn nhẹ về số lượng, giảm bớt
những tầng nấc trung gian, các đầu mối, các loại hình tổ chức; tăng cường hiệu
lực và hiệu quả lãnh đạo, đảm bảo tính thống nhất trong điều hành và chỉ đạo. Một
bộ máy cồng kềnh và chồng chéo giữa lĩnh vực lập pháp và hành chính sẽ là lực cản
lớn cho tiến trình xây dựng và vận hành chính quyền đô thị. Theo kinh nghiệm của
các nước đi trước, cho dù kiến lập chính quyền đô thị theo kiểu hội đồng thị
trưởng (Mayor Parliamentary) là “Chế độ thị trưởng mạnh” hay “Chế độ thị trưởng
yếu” thì vấn đề then chốt là ở chỗ: chỉ có chính quyền 2 cấp và sự tách bạch giữa
cơ cấu hành chính và cơ cấu quyết nghị (lập pháp) mà mục đích cuối cùng của nó
là tập trung quyền lực và thống nhất trong điều hành, chỉ đạo quản lí đô thị,
nâng cao hiệu suất hành chính.
Thứ ba, từng bước
nâng cao ý thức của thị dân về nếp sống văn minh đô thị, ý thức trách nhiệm
công dân; nâng cao trình độ dân trí và tố chất thị dân. Một khi người dân chưa
ý thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong tiến trình xây
dựng và quản lí đô thị, thì tiến trình xây dựng một chính quyền đô thị sẽ gặp
phải những “lực cản” lớn. Bởi chính thị dân là chủ thể, là mục tiêu và động lực
của quá trình phát triển đô thị. Do đó, việc nâng cao trình độ dân trí, trình độ
hiểu biết về pháp luật cho người dân, dần hình thành nếp sống kỉ cương trật tự,
đề cao ý thức tự quản và phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ cộng đồng là những
công việc hết sức quan trọng trong xây dựng chính quyền đô thị.
[1] Xem: Tổng cục thống kê, tình hình
kinh tế xã hội Thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 (http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=383&idmid=2&ItemID=13495 ), cập nhật ngày 25-7-2013
[2] Xem: Bách khoa toàn thư mở, Thành
phố Hồ Chí Minh, (http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh_ph%E1%BB%91_H%E1%BB%93_Ch%C3%AD_Minh), cập nhật ngày 25-7-2013.
[3] Xem: Lấn chiếm sông rạch ở TP HCM do quản lý lỏng lẻo (http://vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/lan-chiem-song-rach-o-tp-hcm-do-quan-ly-long-leo-2056306.html), cập nhật 1-7-2013.
[4] Xem: Nhức nhối nạn
lấn chiếm kênh, rạch làm nhà (http://vietbao.vn/Xa-hoi/Nhuc-nhoi-nan-lan-chiem-kenh-rach-lam-nha/10731024/157/ ), cập nhật ngày 2-7-013.
[5] Nếu chỉ thống kê về các văn bản
pháp quy đề vấn đề đền bù, giải tỏa, tái định cư khi tiến hành thu hồi đất
trong tiến trình chỉnh trang, cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2002 (Tính
từ chỉ thị số 08/2002/CT-UB ngày
22/4/2002 và Quyết định số 135/2002/QĐ-UB ngày 21/11/2002) đến năm 2010 (Quyết
định số 35/QĐ-UBND ngày 28/5/2010) chúng ta cũng đủ thấy một số bất cập trên.
[6] Xem: Đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức tại TPHCM: Yêu cầu cấp bách http://www.sggp.org.vn/caicachhanhchinh/2010/2/219273/, cập nhật ngày 1-7-2013.
Nhận xét
Đăng nhận xét