DIỆN MẠO ĐÔ THỊ VÀ DIỆN MẠO CÁN BỘ

Thực tế cho thấy, bộ mặt đô thị trong một số thành phố lớn ở nước ta, bên cạnh những gam màu sáng, có điểm nhấn, có quy hoạch bài bản thì còn tồn tại quá nhiều bất cập, nhất là trong công tác quản lý đô thị. Quản lý đô thị là “phần mền” trong các mắt xích như chính sách, quy hoạch, tổ chức, chỉnh trang, kiến tạo, vận hành đô thị và là một khâu then chốt tạo nên bộ mặt đô thị sáng sủa, khang trang của chính đô thị đó. Nếu quy hoạch tốt nhưng công tác giám sát, quản lý đô thị kém thì không bao giờ kiến tạo được một đô thị đẹp, văn minh. Do đó, Bí thư thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị rất có lý khi chủ trương “lấy diện mạo đô thị làm tiêu chí đánh giá cán bộ”.

Có thể khẳng định, đây không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới nhưng là một chỉ đạo hết sức đúng đắn và phù hợp với kết cấu logic “người-việc” của một vị đứng đầu thành phố. Lâu nay chúng ta vẫn đánh giá cán bộ một cách chung chung, không gắn với từng công việc, trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể thành thử đâm ra “nhờn thuốc” hay “huề cả làng”: người làm tốt, có trách nhiệm trong công việc và người làm chưa tốt, thậm chí làm sai, làm ngơ, “làm thinh” vẫn không sự khác biệt nhau mấy. Do đó, đối với những cán bộ có biểu hiện “thỏa thuận ngầm” hay “làm ngơ” trước những sai phạm trong quá trình quy hoạch, xây dựng, giám sát và lập lại trật tự kỷ cương đô thị thì nhất thiết phải xem xét lại mức độ “hoàn thành nhiệm vụ”, thậm chí cần phải có những chế tài đủ mạnh để răn đe. Rõ ràng, “bộ mặt” văn minh của một đô thị không thể không gắn với tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, nghiêm khắc của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đô thị. Chính lẽ đó có thể khẳng định rằng, “diện mạo đô thị” và “diện mạo cán bộ” là hai thành tố có mối liên đới với nhau hết sức chặt chẽ nhau, làm tiền đề cho nhau, “thẩm mỹ” cho nhau. Tuy vậy, để đánh giá một cách xác thực hơn về cán bộ làm công tác quản lý đô thị thì cần phải cụ thể hóa các tiêu chí, các lĩnh vực cho từng vị trí công việc cụ thể để có thể lượng giá được mức độ, trách nhiệm hoàn thành của từng cán bộ, nếu không sẽ rơi vào tình trạng “gãi ngứa ngoài giầy” đã tồn tại lâu nay trong cách điều hành và quản lý đô thị cũng như trong công tác đánh giá cán bộ.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ