NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU PHẢI TIẾP CÔNG DÂN ÍT NHẤT MỘT NGÀY TRONG THÁNG: QUY ĐỊNH VÀ THỰC TIỄN

Luật tiếp công dân chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 và một trong những nội dung mới, hợp lòng dân chính là quy định đối với người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình; quy định người đứng đầu các cơ quan phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình.

Có thể nói, đây là một quy định hợp lòng dân. Thế nhưng, điều mà người dân còn thấy băn khoăn là, hiện nay ở nhiều địa phương công tác tiếp công dân còn nhiều hạn chế, yếu kém. Ở một số địa phương, lãnh đạo còn chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vị trí và tầm quan trọng của công tác tiếp công dân. Thậm chí nhiều nơi còn có những biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm với việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân, xem người khiếu nại, tố cáo là những “cái gai”, “hạt sạn” trong công tác quản lý, là “nhân tố” gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, thậm chí bị trù dập. Không ít trường hợp người đứng đầu các cơ quan, địa phương trong suốt thời gian dài (do những lý do khách quan và chủ quan) không tổ chức và trực tiếp tiếp xúc với công dân mà “khoán trắng” cho các bộ phận chức năng.

Do đó, để Luật tiếp công dân mà cụ thể là quy định người đứng đầu phải trực tiếp tổ chức và tiếp công dân ít nhất 1 tháng 1 lần một cách có hiệu quả thực sự, phù hợp với nguyện vọng của đại đa số người dân, theo chúng tôi cần phải có những biện pháp chủ yếu sau:

Một là, cần quyết liệt trong triển khai thực hiện, tránh trường hợp “trên tốt, dưới xấu”, “trên bảo dưới không nghe”, “trên có chính sách dưới có đối sách”. Đối với những trường hợp làm qua loa, chiếu lệ, đối phó, không có hiệu quả thực chất trong công tác tiếp công dân thì cần quy định những chế tài đủ mạnh, thậm chí xem xét tư cách và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Hai là, cần phải nâng cao nhận thức cho người đứng đầu về ý nghĩa, vai trò của việc tiếp công dân trong công tác lãnh đạo, quản lý. Xem đây không chỉ là “tránh nhiệm” về giải quyết khiếu nại, tố cáo cho công dân mà còn là “nghĩa vụ”, là cơ hội để người lãnh đạo nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và những kiến nghị, đề xuất liên quan đến lợi ích chung cũng như lợi ích chính đáng cá nhân họ.

Ba là, cần có những quy định rõ hơn về phương thức, nội dung, chất lượng trong công tác tiếp công dân. Theo đó, ngoài quy định về số lượng (1 tháng 1 lần), cần phải có những quy định chặt chẽ về phương thức (hình thức, cơ cấu, cách thức tiến hành, vấn đề cần giải quyết tiếp dân), nội dung (giải quyết nội dung gì, thành phần và cơ cấu cán bộ và Ban tiếp công dân), chất lượng (đã giải quyết như thế nào, mức độ giải quyết của từng buổi tiếp công dân ra sao, phương hướng xử lý thế nào,...).

Bốn là, nên thực hiện “3 công khai” trong công tác tiếp công dân. Đó là, công khai ngày tiếp dân (có thể cố định trong tháng), công khai đối tượng được tiếp (vì số lượng đơn thư khiếu nại tố cáo nhiều cần phải lịch trình giải quyết, tránh trường hợp “nhờ đỡ”, “cửa sau” để được gặp lãnh đạo); công khai kết quả (sau mỗi lần tiếp công dân với những vụ việc cụ thể nên công khai cho đối tượng và toàn thể nhân dân biết về những kết quả đạt được và phương hướng giải quyết, xử lý nếu còn tồn tại ,vướng mắc; thậm chí có thể công khai bằng cách truyền hình trực tiếp một số buổi tiếp dân mang tính điển hình để người dân cùng nắm thông tin và xử lý những trường hợp tương tự nếu không có gì bí mật hoặc ảnh hưởng đến đời tư của đương sự).

Năm là, tăng cường chức năng của các tổ chức tư vấn và hỗ trợ pháp lý ở các địa phương, nhằm tránh những trường hợp “mù pháp luật” của người dân nhất là đối tượng có nhu cầu khiếu kiện, khiếu nại. Các tổ chức tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý ở các địa phương sẽ là người hướng dẫn, định hướng, sàn lọc, khuyên giải và hỗ trợ pháp lý cho người dân. Tránh tình trạng “bát nháo” trong kiếu kiện khiếu nại, khiếu kiện khiếu nại không đúng pháp luật, gây ra những lãng phí cho cá nhân và xã hội và việc tiếp công dân sẽ không đúng đối tượng và không đạt được hiệu quả.

TS. Phạm Đi

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ