"CHIẾC ÁO MỚI" CỦA CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ?
Việc Quốc hội mới
đây chấp thuận đề nghị của thành phố Hồ Chí Minh về sự cần thiết phải xây dựng
đề án thí điểm về mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) là một quyết định hết sức kịp
thời và đúng đắn.
Quyết định đó tạo
điều kiện thuận lợi về cơ chế cho một thành phố có qui mô, tính chất phát triển
lớn nhất nước một "cơ hội" để phát triển, mở rộng đô thị, đổi mới
phương thức quản lí đô thị theo kiểu hiện đại, thúc đẩy sự phát triển trên nhiều
bình diện phù hợp với tình hình mới của thời cuộc.
Có thể nói, động
thái này của QH đóng vai trò như một "bà đỡ" để cho ra đời một một mô
thức mới quản lí Nhà nước về đô thị.
Chiếc áo đã cũ kĩ và chật chội?
Thực ra, khái niệm
CQĐT không có gì mới đối với nhiều nước, nhiều đô thị trên thế giới, bởi ngay từ
nửa đầu của thế kỉ 17, các quốc gia như Anh, Mỹ đã tiến hành xây dựng mô thức
CQĐT với kiểu quản lí mới mà lúc đó gọi là Hội đồng thị xã (Town Meting).
Thế nhưng, đứng ở
giác độ quản lí xã hội mà nói, sự ra đời của một thể chế quản lí (hay một
phương thức quản lí mới) không phải chỉ dựa vào ý chí chủ quan của một vài cá
nhân nào đó. Mà nó là kết quả của một quá trình phát triển khách quan từ nhu cầu
nội tại và đòi hỏi từ thực tiễn của chính đô thị đó, quốc gia đó.
Ngay cả khi đã
"hình thành" thể chế quản lí theo kiểu chính quyền đô thị rồi thì bản thân nó cũng không phải "đứng
im" mà luôn "vận động" theo những nhu cầu nội tại của sự phát
triển. Lấy Mỹ làm ví dụ:
Từ khi thiết lập chính quyền đô thị đến nay, họ cũng đã thay đổi nhiều mô thức để
thích ứng và phù hợp với nhu cầu quản lí mới về đô thị mà ít nhất đến nay họ
cũng đã kinh qua (và tồn tại) mấy loại mô thức chính quyền đô thị, như chế độ thị trưởng yếu (The Weak - Mayor
Plan); chế độ thị trưởng mạnh (The Strong - Mayor Plan); chế độ Ủy ban- Ban chấp
hành (The Conmission Plan); chế độ Hội đồng - Quản lí (The Council - Manager
Plan).
Như vậy, về bản
chất mà nói, không phải muốn có hay không có (theo ý chí chủ quan của một cá
nhân hay một số người nào đó) cái gọi là chính quyền đô thị gắn với
chế độ "thị trưởng". Mà phải thấy rằng, sự phát triển xã hội nói
chung, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa cũng như mức sống và
nhất là đời sống dân trí của thị dân được nâng lên nói riêng, là những lực đẩy
nội tại "cần phải thay áo mới" cho một cơ thể xã hội- đô thị đang
trương đầy cơ bắp.
Chính chiếc áo cũ
ấy không thể đáp ứng được nhu cầu hiện hữu mới thực sự là nhu cầu đích thực cho
một kiểu quản lí xã hội đô thị- chính quyền đô thị. Hơn nữa,
chính quyền đô thị ra đời còn cần phải là một đòi hỏi khách
quan mà trước hết có thể nói đến là sự giao lưu, giao thương quốc tế theo kiểu
thành phố - thành phố (sự tương tác song hành trực tiếp giữa hai thành phố nào
đó).
Điều đó, đòi hỏi
cần phải có sự "thống nhất tương đối" về vị trí, địa vị và phương thức
quản lí theo kiểu đối trọng. Kế đến và tiên quyết là sự "đòi hỏi" của
chính người dân trong đô thị đó. Khi đời sống dân trí được nâng cao đến một mức
độ nào đó, bản thân thị dân (một chủ thể trọng yếu của đô thị) muốn được thể hiện
vai trò, vị trí của mình trong tiến trình xây dựng, quản lí, giám sát, bảo vệ,
phát triển chính đô thị họ đang sống.
Đến lúc đó, họ
đòi hỏi phải có một hình thức quản lí đô thị mới (có thể là chế độ thị trưởng
hoặc một kiểu quản lí nào đó) để người dân thể hiện được quyền lợi và nghĩa vụ,
vai trò và vị trí, tình cảm và năng lực của mình đối với thành phố mà họ đã và
đang sống.
Kế đến, một yếu tố
không kém phần quan trọng để "khai sinh" ra chính quyền đô thị là cần
phải có sự nhìn nhận, cho phép và "thúc ép" từ chính quyền Nhà nước về
"tính cần thiết" của "chiếc áo mới" là cấp bách hay không?
Bởi xét đến cùng
mục đích tối thượng và xuyên suốt của một chính quyền thành phố, dù ở bất cứ
hình thức nào, tên gọi nào, phương thức vận hành nào, thì mục đích của nó cũng
để quản lí xã hội - đô thị tốt hơn về các mặt văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội,
ngoại giao, an ninh, quốc phòng, tôn giáo tín ngưỡng...
Như vậy, có thể
nói, sự ra đời (và cho phép ra đời) của chế độ quản lí "thị trưởng"
không phải là từ ý chí cá nhân đơn lẻ nào đó, mà nó cần hội đủ những điều kiện
tiên quyết từ nhu cầu nội tại ngay trong lòng của đô thị đó với những chủ thể
hiện hữu của nó và đòi hỏi từ những sức kéo bên ngoài. Nó không phải là "sản
phẩm" sản sinh từ tâm lí "họ có mình có", càng không phải
"cầm đèn chạy trước ô tô". Nên nhớ rằng, một sản phẩm sinh ra không
"hợp thời" không những không mang lại những lợi ích mà đôi khi còn
làm tổn thất đến nhân lực, vật lực, tài lực cho xã hội nếu không muốn nói là
kéo lùi sự phát triển.
Chiếc áo mới phải như thế nào?
Bất cứ hình thức
tổ chức quản lí xã hội đô thị theo kiểu nào thì cũng không ngoài lợi ích chính
đáng, hợp pháp của đại bộ phận thị dân mà cụ thể là phát huy tối đa quyền lực
giám sát của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân khi tiếp xúc với
chính quyền theo nguyên tắc "dĩ nhân vi bản". Đặc biệt là hiệu suất
quản lí và sự hài lòng của người dân là thước đo để kiểm chứng hiệu quả cũng là
"chuẩn mực" cho chính đội ngũ quản lí đô thị.
Chính lẽ đó có thể
khẳng định rằng, xây dựng CQĐT trước tiên là phải có óc quản lí đô thị theo tư
duy mới, vì nhân dân phục vụ.
Khi nào mà sự
quan liêu, bao cấp, bao biện, óc tiểu nông, bè cánh, vụ lợi....của chúng ta vẫn
còn hiện hữu và "còn đất sống", nhận thức và cách điều hành của người
đứng đầu đô thị còn mang tư duy "vừa chạy vừa xếp hàng", "nóng
đâu phủi đó", thiếu hẳn tầm chiến lược trong công tác qui hoạch, xây dựng,
quản lí (quản lí không gian vật chất và quản lí cả không gian xã hội) khiến cho
đô thị của chúng ta phát triển một cách lộn xộn, mất trật tự, không theo một
chiều tích định hướng nhất định, thì việc xây dựng (và chấp nhận) kiểu quản lí
đô thị đó, sẽ khó lòng đạt được những mục tiêu cao nhất, nếu không muốn nói là
"tác dụng ngược".
Do đó, việc chấp
nhận và cho phép xây dựng một mô thức quản lí CQĐT cần phải có những điều kiện
hết sức khắc khe, những nguyên tắc ràng buộc và kể cả những bước đi, lộ trình
rõ ràng, khả thi, khoa học, phù hợp với thực tiễn của mỗi đô thị, mỗi quốc gia.
Nói cách khác,
"chiếc áo mới" phải phù hợp với cơ thể xã hội đô thị về cơ sở hạ tầng
kinh tế xã hội, điều kiện về tâm lí lối sống, phong tục tập quán và kể cả những
thói quen cố hữu và những nét văn hóa mà đô thị đó đang dung nạp. Hơn nữa,
"chiếc áo mới" ấy còn phải phù hợp với sự thống nhất lãnh đạo chung của
Đảng, sự quản lí của Nhà nước.
"Áo gấm đi đêm" hay "áo mặc quá đầu"?
Nói đến chính quyền đô thị không thể không nói đến vai trò hết sức quan trọng
của "người đứng đầu thành phố": Thị trưởng. Mô thức vận hành kiểu chính quyền đô thị quyết định đến quyền hạn, vai trò, vị thế của thị
trưởng và ngược lại tư duy, nhận thức, cách điều hành, tài năng và cả đạo đức của
thị trưởng tác động vô cùng lớn đến sự phát triển cũng như vận mệnh của đô thị
đó.
Chính lẽ đó, người
đứng đầu thành phố là người cần phải có kiến thức về quản lí đô thị kiểu mới.
Khi đã là thị trưởng thì kiến thức và tầm nhìn về quản lí đô thị càng phải được
đặt lên hành đầu trong tiêu chí lựa chọn. Thực tế nước ta cho thấy, kiến thức về
đô thị nói chung, về quản lí đô thị nói riêng của một bộ phận không nhỏ cán bộ
lãnh đạo quản lí (kể cả liên quan đến công tác quản lí đô thị hiện tại) còn sơ
sài.
Chính sự yếu kém
về nhận thức dẫn đến sự yếu kém trong công tác chỉ đạo, ra quyết định và điều
hành. Điều này được kiểm chứng ngay trong các đô thị ở nước ta trên các lĩnh vực
qui hoạch đô thị, xây dựng đô thị và quản lí công đô thị trong thời gian qua.
Sự thiếu thống nhất
trong công tác qui hoạch, sự thiếu đồng bộ và quyết đoán trong công tác xây dựng,
kiến thiết, quản lí, vận hành đô thị; sự nhập nhằng và thiếu quyết đoán trong
công tác quản lí đô thị trong thời gian qua đã cho thấy năng lực về nhận thức
và thực hành quản lí đô thị của cán bộ lãnh đạo, quản lí hữu quan còn hết sức
đơn giản, ấu trĩ.
Thiết nghĩ, trước
khi "có" chính quyền đô thị thì cần phải "có" đầu óc về quản
lí theo kiểu chính quyền đô
thị. Bởi xét đến cùng, thể chế
quản lí chính quyền đô thị là một bộ phận cấu thành trọng yếu trong
kiến trúc thượng tầng xã hội đô thị. Sự chấp thuận và cho phép TPHCM xây dựng đề
án và tiến hành thí điểm vận hành chính quyền đô thị là một
chiếc "áo gấm" về cơ chế.
Thế nhưng không
biết vận dụng và tận dụng cơ hội hiếm có này để tạo cú hích mới cho phát triển
kinh tế xã hội cũng như phương thức quản lí mới thì chẳng khác nào "áo gấm
đi đêm". Tiếp nữa, là thị trưởng thì phải biết lắng nghe, biết tập hợp sức
mạnh khoa học kĩ thuật từ những nhà chuyên môn về đô thị, về quản lí hành
chính, quản lí công, quản lí thị chính.
Để từ đó mà xây dựng
được những mối quan hệ từ các cơ cấu (mới và phức tạp) trong thiết chế thị trưởng
(mối quan hệ giữa cơ cấu tư pháp, cơ cấu hành chính, cơ cấu các cơ quan đại diện
của thành phố; mối quan hệ giữa các đoàn thể xã hội, tổ chức chính đảng và cơ cấu
Nhà nước).
Bởi khi đã hình
thành chính quyền đô thị gắn với chế độ thị trưởng, thì không những
"chấp nhận tên gọi" mà còn là sự chấp nhận, và thay đổi hoàn loạt
cách nghĩ, cách làm. Các mối quan hệ từ các chủ thể lợi ích mới; các thiết chế
mới của đô thị và đặc biệt là tư duy quản lí mới và không thể rơi vào tình trạng
"mặc áo quá đầu" trong quản lí theo kiểu mệnh lệnh, hành chính, bảo
thủ, độc đoán...
Nhận xét
Đăng nhận xét