THU HỒI TÀI SẢN THAM NHŨNG: CẦN “NẮM ĐẤM TỔ HỢP”

Một khi tăng quyền làm chủ và sự tham gia của người dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng thì các tài sản do tham nhũng mà có chắc chắn sẽ bị “lòi” ra dưới sự giám sát của nhân dân.

Tình hình tham nhũng ở nước ta ngày càng phức tạp, đa dạng về loại hình, nghiêm trọng về tính chất và mức độ. Theo đó, số lượng tài sản do tham nhũng chắc chắn là không hề nhỏ. Điều đáng nói là số tài sản bất chính ấy lại núp bóng, chuyển hóa dưới nhiều dạng, cho nên vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng là một vấn đề nan giải.

Chúng ta cần một thái độ cương quyết, triệt để đối với tham nhũng và thu hồi tài sản do tham nhũng. Với tình hình thực tiễn và bối cảnh chính trị - văn hóa - xã hội như nước ta hiện nay, cần những giải pháp cụ thể như những “nắm đấm tổ hợp”.

Siết kê khai, chế tài đủ mạnh

Vấn đề quan trọng đầu tiên và xuyên suốt là phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (2005) và Luật Hình sự (1999) cũng đã quy định cụ thể: “Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu, trả lại cho chủ sở hữu, quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước”; “Người phạm tội có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. Thế nhưng trên thực tế, tòa ít khi áp dụng hình phạt bổ sung là “tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” hoặc tài sản bị tịch thu, thu hồi chỉ là “phần nổi của tảng băng” bởi tài sản đã được “ngụy trang, chuyển hóa, chuyển đổi, tẩu tán…”. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp rất khó xác minh được đâu là tài sản của bị cáo có nguồn gốc hợp pháp, đâu là tài sản có nguồn gốc do tham nhũng mà có.

Như vậy, bên cạnh việc tăng cường các chế tài về hành vi tham nhũng còn cần phải kết hợp chặt chẽ với công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị (cơ chế tài chính, cơ chế công vụ...) theo tinh thần của Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị ngày 3-1-2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Trong đó có nhấn mạnh đến việc xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân chậm tổ chức việc kê khai, không kê khai, kê khai không trung thực; không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; không tổ chức việc công khai bản kê khai; không chủ động xác minh hoặc không xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Có thể nói đây là cơ chế dự phòng rất hiệu quả nếu thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.

Buộc quan tham phải “nhả”

Mặt khác, cần xem lại quy định về khắc phục hậu quả để được giảm án (hay tình tiết giảm nhẹ) trong các án tham nhũng. Thực tế cho thấy nhiều vụ án tham nhũng hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng nhưng “khắc phục” được vài trăm triệu đồng là “có tình tiết giảm nhẹ”. Thiết nghĩ cần phải quy định rõ ràng, khắt khe trong vấn đề khắc phục hậu quả tham nhũng, phải lượng hóa (chẳng hạn đã khắc phục trên 95% tổng số tài sản do tham nhũng mà có thì mới được xem là tình tiết giảm nhẹ). Có như vậy mới thể hiện tính ưu việt của chế độ, vừa tránh tâm lý “ăn không được thì trả”, “cùng lắm thì trả lại” để tránh án chung thân hoặc tử hình.

Bên cạnh đó, cần phải xác định rõ các hình thức thu hồi tài sản tham nhũng: Thu hồi trực tiếp, thu hồi gián tiếp, thu hồi tài sản, thu hồi giá trị tài sản; cơ chế bồi thường chi phí trong quá trình thẩm định tài sản do tham nhũng mà có, cơ chế hưởng lợi (cho thi hành án, cho các cá nhân, đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ hay có “công” đối với công tác thu hồi, người có công phát hiện tài sản do tham nhũng mà có…). Người tham nhũng thường có chức có quyền, tham nhũng thường có tính toán và có thời gian để “chuyển hóa”, “ngụy trang” tẩu tán tài sản, thậm chí chuyển ra nước ngoài nên việc thu hồi cần phải phân định rõ ràng và được luật hóa khi nào là thu hồi trực tiếp, thu hồi gián tiếp, thu hồi tài sản, thu hồi giá trị tài sản.

Đánh vào nỗi sợ “búa rìu dư luận”

Một yếu tố “nặng ký” khác là phải phát huy yếu tố dư luận xã hội. Thực tế cho thấy thu hồi tài sản là hết sức cần thiết bởi nó tước đoạt khỏi người tham nhũng những tài sản do người đó tham nhũng mà có, đánh vào tâm lý “dã tràng xe cát” của những kẻ đã, đang và sẽ có hành vi tham nhũng, góp phần ngăn chặn hành vi tham nhũng, hoàn trả những của cải, tài sản đã bị chiếm đoạt. Thế nhưng con người “sợ bị tước đoạt” không chỉ là yếu tố vật chất mà còn là lĩnh vực tinh thần; con người không chỉ “sợ pháp luật” mà còn sợ “búa rìu dư luận”. Và phải có biện pháp đánh vào nỗi sợ này của quan tham. Chẳng hạn như bên cạnh việc phải xử lý nghiêm minh thì cần đưa các án tham nhũng lớn ra xét xử công khai nơi địa phương mà quan tham cư trú, để cho dư luận phán xét và “đối xử”. Điều này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả xã hội tích cực: Người dân được phát huy quyền làm chủ của mình và có thái độ “ứng xử” với hiện tượng tham nhũng theo cách của họ. Một khi tăng quyền làm chủ và sự tham gia của người dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng thì các tài sản do tham nhũng mà có chắc chắn sẽ bị “lòi” ra dưới sự giám sát của nhân dân; đối tượng có khả năng tham nhũng cũng sẽ có những suy nghĩ, thái độ khác hơn về hành vi của mình.

Bài viết được đăng trên Báo Pháp luật Tp.HCM, ngày 10/4/2014 (https://plo.vn/thoi-su/chinh-tri/thu-hoi-tai-san-tham-nhung-can-nam-dam-to-hop-460112.html )

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ