NHẬN DIỆN VỀ NỘI HÀM CỦA KHÁI NIỆM NHÓM VÀ LỢI ÍCH NHÓM ĐỂ ĐẤU TRANH CHỐNG
LẠI CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH
Để chuẩn bị và tổ chức tốt cho đại hội
đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (sau đây
gọi tắt là Đại hội XIII), trong thời gian qua, mặc dù vừa phải ra sức, chúng
tay để đẩy lùi đại dịch COVID-19, phát triển kinh tế-xã hội, vừa phải tiến hành
các nhiệm vụ chính trị cần thiết để tiến hành thuận lợi Đại hội XIII, trong đó
có công tác cán bộ. Thế nhưng, trước thềm đại hội, cũng là thời điểm hết sức nhạy
cảm, các thế lực thù địch càng tăng cường các hoạt động chống phá, tung ra luận
điệu xuyên tạc, sai trái nhằm làm suy giảm niềm tin, phá hoại Đại hội XIII của
Đảng, trong đó xoáy vào công tác cán bộ. Lợi dụng những yếu kém, bất cập của đội
ngũ cán bộ và công tác cán bộ thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động,
cơ hội chính trị càng gia tăng chống phá với những giọng điệu bịa đặt, bóp méo,
xuyên tạc nguy hiểm. Chúng trắng trợn xuyên tạc rằng, bản chất công tác
cán bộ của Đảng ta là không dân chủ, thiếu minh bạch, làm theo kiểu “áo gấm đi
đêm”, việc quy hoạch, sắp xếp cán bộ chỉ nhằm “thanh trừng bè phái”, “đấu
đá nội bộ”, “lợi ích nhóm”[1]...
Nhằm có cái nhìn đúng
đắn và khoa học hơn khi nhìn nhận “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ và đồng
thời là cơ sở lý luận-thực tiễn để đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch
khi vận dụng chiêu bài “lợi ích nhóm” để chống phá. Bài viết sẽ tiến hành phân
tích nội hàm và bản chất của thuật ngữ “lợi ích nhóm” (hay nhóm lợi ích) để thấy
được cách sử dụng thuật ngữ “lợi ích nhóm” để chống phá là thiếu hiểu biết về ý
nghĩa, nội hàm, bản chất của thuật ngữ này.
1.
Khái niệm về lợi ích nhóm
Thế nào là “lợi
ích nhóm” hay “nhóm lợi ích”? Câu trả lời không đơn giản và hiện chưa có sự thống
nhất về cách nhìn nhận của các nhà nghiên cứu. Về mặt từ ngữ mà nói, muốn hiểu “lợi ích nhóm”
hay “nhóm lợi ích” đầu tiên phải xác định và hiểu được khái niệm “nhóm”, “bản
chất nhóm”. Trong quá trình lao động, sản xuất và tiến hành các hoạt động sống
nói chung, nhằm đạt được một (hay nhiều) mục đích mà con người phải hình thành
các nhóm, đến lược mình, sự vận hành của nhóm chính là thỏa mãn nhu cầu, lợi
ích (vật chất và tinh thần) của con người. Dưới lăng kính xã hội học nhìn nhận,
“lợi ích nhóm” hàm chỉ nhóm xã hội có cùng chung lợi ích và nhu cầu nảy sinh
trong quá trình lao động sản xuất, trong hoạt động sống và trong quan hệ quyền
lực. Nguồn gốc nảy sinh nhóm lợi ích xuất phát từ những điều kiện cơ bản từ những
chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sự phát triển của phương thức sản xuất, quá trình biến
đổi xã hội; trong đó, sự điều chỉnh về chính sách kinh tế và thể chế xã hội là
điều kiện cơ bản nhất hình thành lợi ích nhóm. Các lợi ích khác nhau là điều kiện khách quan hình thành nên lợi ích
nhóm; đặc trưng về tính chất xã hội của
cá nhân là điều kiện chủ quan hình thành lợi ích nhóm.
Khi nghiên cứu lợi ích nhóm không thể không làm rõ các đặc trưng của nó.
Đầu tiên, đặc trưng cơ bản nhất là “nhóm
lợi ích” chính là yếu tố “lợi ích”. Nói cách khác, quan hệ hạt nhân của lợi ích
nhóm chính là quan hệ lợi ích. Một khi nhu cầu, động cơ giống nhau để tiến hành
đạt được những lợi ích nào đó sẽ khiến người ta cố kết lại với nhau thành các “nhóm
lợi ích”. Thứ hai, quy mô nhóm có
tính bất xác định. Quy mô của nhóm lợi ích có thể là rộng lớn (cả một quốc gia,
dân tộc gắn với lợi ích, chủ quyền, văn hóa, lối sống,...)[2]
nhưng cũng có thể là nhỏ hẹp (một nhóm bạn, nhóm sở thích, nhóm học tập,...),
thậm chí có nhiều nhóm vượt qua biên giới của một quốc gia (cộng đồng người đồng
tính LGBTQ+)[3].
Thứ ba, quan hệ và tương tác giữa các
thành viên trong nhóm lợi ích là vô cùng phong phú và đa dạng. Trong một nhóm lợi
ích, không phải ai cũng có những điều kiện (vật chất, nhận thức, trình độ,..)
giống nhau; có những cá nhân thậm chí không quen biết nhau. Vấn đề là ở chỗ, do
cùng quan hệ lợi ích (hệ tư tưởng, sản xuất vật chất,...) mà họ chấp nhận những
giá trị chung của nhóm và hình thành nhóm lợi ích.
Theo quan điểm của K. Marx
và F.Engels thì lợi ích không chỉ là nguyên nhân sâu xa của mọi mâu thuẫn xã hội,
mà còn là động lực thúc đẩy hoạt động của quần chúng nhân dân và qua đó, thúc đẩy
sự phát triển của xã hội. Việc nghiên cứu lợi ích vừa giúp hiểu rõ thực chất của
sự biến đổi lịch sử, vừa cho thấy vai trò to lớn có ý nghĩa quyết định của con
người thông qua hoạt động thực tiễn.
Triết học Mác-xít
khẳng định rằng, động lực sâu xa thúc đẩy con người hoạt động chính là lợi ích. Trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, Gia đình thần
thánh, Hệ tư tưởng Đức…,
K. Marx và F.Engels đã chỉ rõ lợi ích chính là sản phẩm hoạt động của con người,
là sự kết tinh, đối tượng hoá bản chất con người, tính người. Nó vừa tồn tại dưới
hình thái vật thể, vừa là quan hệ xã hội. Nhưng cái sản phẩm ấy chỉ trở thành lợi
ích khi nó thuộc về sở hữu của người nào đó, liên quan và có thể thoả mãn nhu cầu
nào đó, được đặt trong quan hệ giữa con người với nhau. Người ta quan hệ với
nhau, trao đổi tính người cho nhau chính là thông qua sản xuất và trao đổi sản
phẩm của quá trình sản xuất ấy. Theo quan điểm trên thì lợi ích không phải là bản
thân quan hệ xã hội, mà là cái mang quan hệ xã hội. Do vậy, việc nhận thức quan
hệ xã hội mà thiếu lợi ích thì về cơ bản, nhận thức đó vẫn chỉ mang tính trừu
tượng, thậm chí theo chiều hướng duy tâm. Khi nói về vai trò của lợi ích, triết
học Mác-xít cho rằng, lợi ích là cái liên kết các thành viên trong xã hội, nó
được đặt trong quan hệ giữa con người với nhau và làm cơ sở cho việc xác lập
các quan hệ giữa họ[4].
Trong
tác phẩm “Giai Cấp và xung đột
giai cấp trong xã hội công nghiệp” (1959), nhà xã hội
Đức là Ralf Dahrendorf đã từng miêu tả một cách cụ thể về nhóm lợi ích. Ông cho
rằng, đối với bất kỳ nhóm xã hội nào cũng đều có hai hình thức chủ yếu: nhóm gồm
những người chiếm cứ địa vị thống trị bằng uy quyền; nhóm còn lại là những người
tất yếu phải phục tùy uy quyền của nhóm kia. Nếu có một số người trong nhóm nào
đó xuất hiện ý thức về lợi ích và cùng tổ chức, thống nhất lại lợi ích ấy, kết
quả sẽ xuất hiện “nhóm lợi ích”[5].
Như vậy,
theo nghĩa rộng, lợi ích nhóm hay nhóm lợi
ích là nhóm xã hội được hình thành bởi các cá nhân có cùng chung lợi ích trong
các lĩnh vực cụ thể như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giá trị, niềm tin.
Nhóm lợi ích bị chế ước một cách trực tiếp hay gián tiếp của hình thái kinh tế
xã hội nhất định và đồng thời, khi đã hình thành, nhóm lợi ích này quay lại tác
động đến quá trình sản xuất xã hội, đến quan hệ xã hội, đến sự phát triển của
xã hội. Trong nghiên cứu xã hội học, nhóm lợi ích là đơn vị phân tích cơ bản
trong khi tiến hành nghiên cứu cơ cấu xã hội, nó cũng là khái niệm công cụ và
biểu hiện cụ thể khi tiến hành phân tích kết cấu xã hội hiện đại.
Điều
quan trọng hơn cả cần nhấn mạnh là, hiện nhiều học giả đang hiểu “lợi ích nhóm”
(Interest Group) theo hướng tiêu cực
và hoàn toàn không có lợi. Có lẽ đó là sự đánh đồng giữa “lợi ích nhóm” và khái niệm phái sinh là “tập đoàn lợi ích”. Khi chúng ta nhấn mạnh
đến sự tồn tại của các nhóm lợi ích trong xã hội và tiến hành phân tích kết cấu
xã hội thường chỉ chú trọng đến giai tầng, giai cấp (gắn với lợi ích nhất định).
Thế sự khác biệt giữa nhóm lợi ích và tập đoàn lợi ích thể hiện ở khía cạnh
nào? Từ một bình diện nào đó mà nói, gọi là một giai tầng hay một giai cấp thì
về bản chất là một “nhóm lợi ích”, thế nhưng điều đó không có nghĩa là, nhóm lợi
ích đồng nghĩa với giai tầng hay giai cấp. Nói cách khác, cái “lợi ích” trong
“nhóm lợi ích” không giống với cái “lợi ích” trong giai cấp, giai tầng: nó chỉ
là một tiêu chí, một đặc trưng của một điểm chung vê lợi ích; khác với giai cấp,
giai tầng ở chỗ: điểm chung lợi ích đó có thể (và có lúc) bao hàm cả vài (hoặc
nhiều) giai cấp, giai tầng (trong phạm vi nội hàm của nó), nhưng cũng có lúc
hàm chỉ lợi ích trong phạm vi nhỏ hẹp của một vài thành viên trong giai cấp,
giai tầng đó.
Trong
quá trình xây dựng một đất nước hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì càng cần phải
hiểu và xử lý đúng vấn đề lợi ích nhóm. Đó là vấn đề lớn, phức tạp và lâu dài.
Để hiểu được “lợi ích” trong các nhóm lợi ích, đặc biệt là lợi ích của các nhóm
đặc thù như nông dân, công nhân, trí thức; nhóm người có công với cách mạng,
nhóm yếu thế, nhóm nghèo đói,... và có những chính sách phù hợp, phát huy tính
chủ động, tích cực, sáng tạo của mỗi nhóm. Từ phương diện định hướng chính sách
nhìn nhận, cần phải ngăn chặn các lợi ích nhóm phát triển thành các tập đoàn lợi
ích, các “sân sau”. Nói cách khác, không thể đánh đồng giữa lợi ích nhóm với tập
đoàn lợi ích; càng không thể để các “tập đoàn lợi ích” chi phối đến các lĩnh vực
chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong công tác cán bộ.
2. Đặc trưng của lợi ích nhóm
Khi nghiên cứu về
lợi ích nhóm không thể không chỉ ra các đặc trưng của nó. Chính những đặc trưng
này giúp chúng ta hiểu được nội dung, bản chất và phân biệt với các khái niệm
có tính tương đồng. Theo quan điểm của xã hội học, lợi ích nhóm có một số đặc
trưng sau:
Thứ nhất, tính đa diện. Trên cơ sở những lợi ích chung nhất định nào đó,
các cá nhân mới hợp thành một nhóm gọi là nhóm lợi ích. Nhóm lợi ích có mặt
trong hầu hết các lĩnh vực, phương diện trong đời sống văn hóa, kinh tế, chính
trị. Từ đó có thể nói, quốc gia, dân tộc, tôn giáo, giai cấp, chính đảng, hợp
tác xã, công ty, xí nghiệp, bạn bè, gia đình đều là các nhóm lợi ích. Cái quan
trọng và cốt lõi là lợi ích đó là lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của đại
đa số thành viên trong đó.
Thứ hai, tính biến đổi. Bất kỳ nhóm lợi ích nào, từ khi nảy sinh, phát
triển, suy thoái và diệt vong đều là quá trình biến đổi. Có thể nói, lợi ích
nhóm là một phạm trù lịch sử, trong những điều kiện lịch sử khác nhau thì nội
dung, tính chất của khái niệm lợi ích nhóm cũng khác nhau.
Thứ ba, tính song trùng. Trong một nhóm mà nói, “lợi ích cá nhân” và “lợi
ích nhóm” luôn có tính song trùng. Cá nhân thông qua nhóm để thỏa mãn lợi ích của
mình, nhóm thông qua cá nhân để thể hiện quyền lực và sức mạnh của mình. Trong
nội bộ nhóm hay giữa các nhóm với nhau thì lợi ích của chúng vẫn đan xen, chi
phối lẫn nhau.
Thứ tư, tính thống nhất. Ngoài tính chất đa diện ở trên thì trong một nhóm
lợi ích, tính lợi ích chung thể hiện một cách thống nhất. Sự truy cầu lợi ích của
cá nhân, bằng một cách nào đó khác biệt, nhưng bao giờ cũng thống nhất với lợi
ích của nhóm.
Thứ năm, tính tập trung. Tính xã hội của chủ thể lợi ích quyết định tính tập
trung của nhóm lợi ích. Một cá nhân khi đạt được lợi ích của mình thông qua lợi
ích tập trung của nhóm. Khi lợi ích nhóm được bảo đảm thì lợi ích cá nhân cũng
được thể hiện. Tính tập trung thể hiện đặc trưng cơ bản nhất, rõ ràng nhất của
nhóm lợi ích.
3. Các
kiểu lợi ích nhóm
Lợi ích nhóm hay
nhóm lợi ích không phải tự nhiên mà có, nó là sản phẩm được hình thành trong những
điều kiện lịch sử nhất định; là kết quả khách quan của quá trình biến đổi xã hội,
thể hiện mối quan hệ giữa hệ giữa các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Hiện có nhiều cách phân chia “nhóm lợi ích”:
Từ đặc điểm về mục đích của nhóm, có thể chia thành ba loại cơ bản là lợi
ích nhóm về quyền lợi kinh tế, lợi ích nhóm về quyền lợi chính trị và xã hội, lợi
ích nhóm về công chúng xã hội. Mục đích chủ yếu của “lợi ích nhóm kinh tế” là duy
trì và thúc đẩy lợi ích kinh tế của các thành viên trong nhóm. Ví dụ: tập đoàn
thương mại, tập đoàn kinh doanh,... Mục đích chủ yếu của “lợi ích nhóm chính trị
và xã hội” chủ yếu là tìm kiếm, đấu tranh để giành lấy quyền lợi chính trị và địa
vị xã hội cho các thành viên. Ví dụ: Tổ chức công đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội
Liên hiệp thanh niên,... Mục đích chủ yếu của “lợi ích công chúng” là tìm kiếm
và bảo vệ quyền lợi mang tính phúc lợi. Ví dụ: Hội người tàn tật, Hội người mù,
Hội chất độc da cam, hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Điều cần nhấn mạnh
là, các mục đích của nhóm không phải độc lập tuyệt đối mà nhiều khi các mục
tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, công chúng đan xen nhau, hỗ trợ nhau.
Từ hình thức tổ chức của nhóm, có thể chia thành ba loại cơ bản là lợi
ích nhóm có tính cơ cấu, lợi ích nhóm có tính đoàn thể và lợi ích nhóm có tính
tự phát. Lợi ích nhóm có tính cơ cấu là kiểu lợi ích được hình thành do một cơ
cấu tổ chức nhất định. Ví dụ: cơ cấu tổ chức nông thôn, trường học, quân đội,
cơ quan hành chính của chính phủ. Nhóm lợi ích mang tính đoàn thể tức là thông
qua các hình thức đoàn thể để hình thành nên kiểu nhóm lợi ích này, đây là nhóm
lợi ích được tổ chức hóa và chủ yếu thực hiện các chức năng chuyên môn thông
qua công việc. Nhóm lợi ích tự phát là những nhóm xã hội do những nhu cầu nào
đó mà hợp thành các nhóm. Nhóm này được hình thành chủ yếu thông qua “mạng lưới
quan hệ”, do đó không có hình thức tổ chức chính quy.
4. Dùng luận
điểm “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ để đả kích, xuyên tạc là hiểu chưa
đúng về bản chất của nhóm
Đảng Cộng sản Việt
Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam; đại biểu trung thành lợi
ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Trong suốt
quá trình cách mạng, từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng
định vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, lãnh đạo giai cấp
công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, thực hiện thắng lợi cuộc cách
mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, phấn đấu
vì mục tiêu : “Dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh”[6]. Trên bình diện rộng lớn mà nói, Đảng là người đại diện và bảo vệ lợi ích của một nhóm lớn (nhóm chính thức)
là giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam. Trong đó,
việc đảm bảo lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị và lợi ích xã hội cho toàn thể
nhân dân Việt Nam là việc làm hiển hiên, thậm chí là sứ mệnh cao cả. Muốn làm được điều đó, việc hoàn thiện bộ máy
để tìm kiếm, đề bạt, cất nhắc những cán bộ vừa có tâm, vừa có tầm; vừa hồng vừa
chuyên; hội đủ những yêu cầu đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong tình
hình mới là việc làm đương nhiên.
Nói cách khác, nếu
có cái gọi là “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ thì lợi ích đó là nguyện vọng,
yêu cầu của Đảng, người đại diện lợi ích cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động
và của dân tộc Việt Nam chứ không phải là lợi ích bản vị, lợi ích của một số
người có cái nhìn thiển cận, thậm chí không hiểu gì về bản chất và nội hàm của
thuật ngữ lợi ích nhóm. Nói cách khác, đưa ra những luận điểm rêu rao về
“lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ nhằm mục đích xuyên tạc, chống phá theo kiểu
“nội công, ngoại kích” mà không hiểu được hàm nghĩa của thuật ngữ càng thể hiện
sự ấu trĩ và non nớt ở tầm lý luận. Điều này chẳng những không đạt được mục
tiêu (chia rẽ, chống phá) mà càng tô đậm thêm tính vĩ đại, uyên thâm của Đảng Cộng
sản Việt Nam, một tổ chức, một chính đảng luôn đặt lợi ích của đất nước, của
nhân dân lên trên hết và rõ ràng: “Với tất
cả sự khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có thể nói rằng: "Đảng
ta thật là vĩ đại! Nhân dân ta thật là anh hùng!”[7] bởi vì một lẽ hết sức giản đơn: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng
ta không có lợi ích gì khác”[8].
TS. Phạm Đi
Đà Nẵng, ngày 17 tháng 7 năm
2020
[1] Phùng Kim Lân, Cảnh giác với chiêu trò
xuyên tạc vai trò cán bộ và công tác cán bộ của Đảng ta, Quân đội
nhân dân Online. Tham kiến: https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/canh-giac-voi-chieu-tro-xuyen-tac-vai-tro-can-bo-va-cong-tac-can-bo-cua-dang-ta-559397
(cập nhật ngày 26/6/2020).
[2] Thông thường, trên các phương tiện
thông tin đại chúng xuất hiện những cụm từ như “loại bỏ lợi ích nhóm”, “xóa bỏ
lợi ích nhóm” hàm chỉ khía cạnh nhỏ (thậm chí nghiên về ý nghĩa tiêu cực) của
khái niệm này. Một quốc gia, dân tộc tồn tại, về cơ bản trên cơ sở lợi ích gắn
liền với nó, do đó cái gọi là “lợi ích nhóm” luôn tồn tại song hành với xã hội,
gắn với các nhóm xã hội. Vì thế “xóa bỏ lợi ích nhóm” theo nghĩa rộng của khái
niệm “lợi ích nhóm” là không chính xác. Có chăng lợi ích đó có phù hợp với đại
đa số nhân dân, cộng đồng; có phục vụ các yêu cầu chung; có thỏa mãn các nhu cầu
của đa số người trong xã hội hay không.
[3] Tên viết tắt của Cộng đồng những người đồng
tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual),
Hoán tính hay còn gọi là Người chuyển giới (Transgender) và Questioning (đang
trong giai đoạn tìm hiểu về bản thân). Dấu cộng “+” thể hiện sự tồn tại của những
giới tính chưa được liện kê.
[4] Đặng Quang Định, Quan điểm của triết học Mác về lợi ích với
tư cách động lực của lịch sử. http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de/Triet-hoc-Mac-Lenin/Quan-diem-cua-triet-hoc-Mac-ve-loi-ich-voi-tu-cach-dong-luc-cua-lich-su-566.html
[5] Tham kiến: D.P Johnson, Lý luận xã hội học, Công ty xuất bản văn
hóa thế giới (Đại học Nam Khai, Trung Quốc dịch), năm 1988, tr.601.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Nxb. CTQG, H.2011, tr. 70
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB. CTQG, HN.1996, Tập 10, tr 2.
[8] Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết
“Phải theo đúng kỷ luật của Đảng” đăng trên Báo Nhân dân số 217, từ ngày 22 đến
ngày 24 tháng 8 năm 1954; bút danh “C.B”.
Nhận xét
Đăng nhận xét