CHÍNH ĐỨC VÀ Y ĐỨC
LÀM QUAN THIẾU “CHÍNH ĐỨC” CÒN NGUY HIỂM
HƠN BÁC SĨ THIẾU Y ĐỨC
Trong thời gian gần
đây, nhiều sự vụ liên quan đến lĩnh vực y tế và quản lý nhà nước về y tế đã
gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động y tế và những biểu hiện lệch lạc của
nó mà dư luận cho rằng cái gốc của vấn đề chính là y đức.
Quả vậy, Việt Nam
là một quốc gia trọng tình, trọng nghĩa, trọng đức và cái nghề thanh cao là “cứu
người” buộc phải mang trong mình một sứ mệnh cao cả đó, phải gắn chặt với đạo đức
nghề nghiệp, và “y đức” nhiều lúc còn đóng một vai trò quan trọng hơn kỹ năng
nghề nghiệp (y thuật).
Bình tĩnh mà nói,
bất cứ lĩnh vực nào, nghề nào đều có những quy phạm về đạo đức cả: hành nghề y
có y đức, làm nghề giáo có sư đức (đạo đức sư phạm), làm nghề kinh doanh có
thương đức, người tùng chính hay “làm quan” thì có chính đức…
Và chính cái đạo
đức nghề nghiệp này là một thành tố quan trọng trong tố chất của mỗi con người
và là thang đo giá trị của mỗi con người, mỗi ngành nghề, đồng thời khẳng định
sự thành bại của chính chủ thể mà nó phục tùng.
Chính lẽ đó mới
có câu “nhân vô đức bất lập, quốc vô đức bất hứng”. Từ đó có thể hiểu rộng ra rằng
khi mà nhà giáo không đề cập đến đạo đức sư phạm, người hành nghề y không đặt y
đức lên trên, người làm chính trị (“làm quan” theo quan niệm xưa) không nói đến
chính đức thì cá nhân đó không thể (và không có tư cách) để đứng vào hàng ngũ
nghề nghiệp mà họ theo đuổi với tư cách là một thành viên, xã hội đó sẽ bất ổn
định, “bất hứng”, và niềm tin xã hội bị lung lay.
“Chính đức” – tức
đạo đức người làm quan – của các công bộc của nhân dân, trên bình diện nào đó
mà nói, nó còn quan trọng và nguy hiểm (nếu xảy ra hiện tượng “thất đức” trong
chính đức) hơn nhiều so với lĩnh vực y tế.
Cũng phải thừa nhận
rằng bất cứ nghề nào đều phải theo đuổi và mưu cầu quyền lợi (vật chất và tinh
thần, cá nhân và nhóm, xã hội và nhà nước) và thực hiện một chức năng nào đó
trong xã hội, giúp xã hội phát triển đi lên.
Thế nhưng vấn đề
là ở chỗ những mưu cầu đó phải hợp thức, phải chính đáng, phải hợp pháp và hợp
với lòng người, với truyền thống văn hóa và hệ giá trị mà xã hội đang kiến tạo
chứ tuyệt nhiên không phải (và không thể) mưu cầu lợi ích cá nhân mà chà đạp
lên lợi ích của người khác, của nhân dân thông qua quyền lực mà mình sở hữu.
Dư luận có lý khi
lên án những hiện tượng “khuyết đức” trong lĩnh vực y tế như: không có người
nhà bệnh nhân thì không cấp cứu, không có tiền không chữa bệnh, thậm chí bỏ mặc.
Dư luận còn gay gắt lên án “các kiểu ăn”: ăn vắc xin, ăn gian trong xét nghiệm,
ăn tiền bệnh nhân…
Nhưng dư luận
càng căm phẫn và lên án những biểu hiện “khuyết đức” trong cách hành xử của người
làm quan, bởi “chính đức” – tức đạo đức người làm quan – của các công bộc của
nhân dân, trên bình diện nào đó mà nói, nó còn quan trọng và nguy hiểm (nếu xảy
ra hiện tượng “thất đức” trong chính đức) hơn nhiều so với lĩnh vực y tế. Vì
sao?
Đối tượng của
ngành y – mà cụ thể là của người thầy thuốc – chính là người bệnh với nhu cầu
chữa khỏi bệnh, nhưng đối tượng phục vụ của cơ quan hành chính – mà cụ thể là
“người làm quan” – chính là toàn thể nhân dân với những nhu cầu thiết thân, hợp
pháp như “y, thực, trú, hành” (mặc, ăn, ở, đi lại) và những nhu cầu khác như:
an toàn, tôn trọng, thể hiện cái tôi với tư cách là một công dân.
Có thể nói thất bại
lớn nhất của một bác sĩ trong một ca chữa bệnh (hay phẫu thuật) là một hoặc vài
bệnh nhân (tử vong hoặc di chứng), nhưng thất bại của lối hành chính cửa quyền,
quan liên, nhũng nhiễu của một cán bộ thiếu “chính đức” thì có thể là nhiều người
dân rơi vào cảnh tán gia bại sản (10 năm mang án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn
là một ví dụ), mất mát về tinh thần, thậm chí đánh mất niềm tin…
Quan trọng hơn là
sự “thất đức” của nghề y có thể “nhìn thấy” trong một vài trường hợp (tiêm vắc
xin dỏm khiến trẻ em tử vong, phẫu thuật không thành ném xác khổ chủ để phi
tang…) trong một thời gian ngắn, thế nhưng sự “thất đức” trong “nghề làm quan”
(trường hợp ép cung, xử án oan; câu kết với các phần tử xấu để trục lợi và đục
khoét tiền của của nhà nước; tự cho mình được phép hưởng những đặc quyền đặc lợi
mà lương có thể lên đến vài trăm triệu một tháng; chèn ép nhân dân và người yếu
thế khi thực thi chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách người có công, chính
sách người cao tuổi…) có thể mang lại những hậu quả khôn lường rất khó “cân,
đo, đong, đếm” được trong một thời gian ngắn ở một số người hay một cộng đồng
nhất định.
Nếu chỉ dừng lại ở
việc “kêu gọi” lòng từ bi, bác ái để thực hành và kiến tạo “y đức” hay “chính đức”
là chưa đủ và không căn cơ, nếu không muốn nói là “gãi ngứa ngoài giày”.
Dư luận có lý khi
cho rằng y đức đang xuống cấp là một trong những nguyên nhân gây nên những sự vụ
y tế trong thời gian qua; dư luận cũng đã nhìn nhận rằng “một bộ phận không nhỏ”
là cán bộ, đảng viên có những biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống, thiếu
gương mẫu, ngôn hành bất nhất, nhũng nhiễu nhân dân và đặc biệt là lợi dụng chức
vụ, quyền hạn để mưu cầu cá nhân, trục lợi, làm giàu bất chính trong thời gian
qua đã và đang là những “bầy sâu” cần chỉ tên, điểm mặt.
Không phải ngẫu
nhiên mà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phát biểu trước Ủy ban Thường vụ
Quốc hội ngày 17.9.2013 rằng: “Đạo đức xuống cấp ở mọi lĩnh vực, y đức, giáo dục,
tư pháp, hành pháp đều có cả, nguyên nhân vì sao đã đến lúc cần tìm ra”.
Đúng là đã đến
lúc cần “tìm ra” những căn nguyên của hiện tượng xuống cấp về đạo đức xã hội
nói chung, về “y đức” và “chính đức” nói riêng. Thế nhưng vấn đề lớn hơn nữa là
“làm thế nào” để “tìm ra” và đưa ra những thang thuốc hữu hiệu để “chữa trị” và
“phòng” hai căn bệnh trầm kha nói trên.
Thiết nghĩ nếu chỉ
dừng lại ở việc “kêu gọi” lòng từ bi, bác ái để thực hành và kiến tạo “y đức”
hay “chính đức” là chưa đủ và không căn cơ, nếu không muốn nói là “gãi ngứa
ngoài giày”. Quan trọng hơn cả là cần phải có một sự quyết tâm chính trị lớn từ
các cấp lãnh đạo, cần một hệ thống pháp luật và chế tài đủ mạnh, có sức răn đe
lớn và có tác dụng cảnh giới cao mới có thể dẫn đưa những hiện tượng lệch lạc
xã hội trong y tế, giáo dục, hành chính vào đúng quỹ đạo của nó, góp phần mang
lại sự lành mạnh cho xã hội.
Phạm Đi
(Trích trong sách “Vấn
đề xã hội – lý thuyết và vận dụng, Nxb Sự Thật, 2016)
Nhận xét
Đăng nhận xét