Chất vấn và trả lời chất vấn

Chất vấn và trả lời chất vấn
 
 
Chất vấn và trả lời chất vấn là một phần quan trọng và cần thiết trong các kỳ họp Quốc hội. Với tư cách cử tri theo dõi các kỳ họp Quốc hội qua màn ảnh nhỏ và qua báo chí, tôi xin góp chút ý kiến về những cái thừa và thiếu của việc chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp đang diễn ra.
Thừa những câu hỏi “quá cụ thể”, “lạc đề”. Điều này thể hiện rõ qua lời nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh: “Có những câu sa vào vụ việc cụ thể mà những việc đó trả lời bằng văn bản thì tốt hơn”. Nên tập trung các câu hỏi có tính khái quát (nhưng không chung chung), phù hợp với những vấn đề bức xúc chung của nhân dân.
Thừa những câu hỏi “quá lý sự”, “quá khó”. Thiết nghĩ chất vấn và trả lời chất vấn không phải là một “diễn đàn khoa học”, do vậy không nên đưa vào những câu hỏi kiểu “lý sự”, nằm trong phạm vi giải đáp chính sách hơn là phân tích trách nhiệm. Do đó “có vị trả lời chất vấn viết thành văn bản và đọc như báo cáo” (Tuổi trẻ 2-12-2000) cũng là điều dễ hiểu.
Thừa những câu trả lời quá dông dài, không xoáy vào câu hỏi, trả lời kiểu chung chung.  Chất vấn và  trả lời chất vấn phải vừa mang tính đối thoại vừa mang tính thẩm tra, thực hiện quyền giám sát của đại biểu Quốc hội. Chất vấn và trả lời chất vấn để tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm của từng người, từng việc chứ không phải là việc thừa nhận vấn đề kiểu: “quả thật có những tiêu cực…; “xử lý sai phạm dù nhỏ, đừng để lọt lưới…”. Cử tri cần biết ai là người sai phạm, sai phạm ở mức độ nào…
Thiếu những lời chân thật (và dám) nhận lỗi. “Chúng tôi xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội và xin lỗi những người bị oan sai”, đó là lời thừa nhận “đột phá” của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Hà Mạnh Trí (Tuổi trẻ 2-12-2000).
Thiếu sự tập trung, thể hiện qua những câu hỏi trùng lặp, lạc đề (mặc dù người chủ trì cuộc họp đã nhiều lần nhắc nhở).
Thiếu thời gian có lẽ là cái thiếu dễ nhận thấy nhất. “Vì hết thời gian, đề nghị đại biểu nào còn câu hỏi xin gửi bằng văn bản để bộ trưởng trả lời”. Hình như tôi đã nghe câu nói này ở mọi kỳ họp Quốc hội. Thời gian dành cho chất vấn còn quá ít, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng trả lời, chưa đi sâu những vấn đề bức bách; tồn đọng nhiều vấn đề chưa và không thể chất vấn. Thiết nghĩ cần mở rộng thời gian cho chất vấn hơn nữa để quá trình chất vấn và trả lời chất vấn đạt hiệu quả. Do vậy các câu hỏi phải được chuẩn bị chu đáo hơn, kỹ càng hơn và đi vào vấn đề hơn. Bên cạnh đó, thời lượng đặt câu hỏi phải được quy định thống nhất và người điều khiển phiên họp có quyền nhận xét khi có câu hỏi hoặc trả lời không đi vào điều cần tranh luận, có như vậy mới đảm bảo được thời lượng và sử dụng thời gian hợp lý cho từng vấn đề, từng câu hỏi.
 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ