THANH THIẾU NIÊN VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN


Vấn đề thanh thiếu niên phạm tội và biện pháp ngăn chặn


(Cadn.com.vn) – Trong những năm gần đây, hiện tượng thanh thiếu niên phạm pháp ngày một gia tăng, ít nhiều làm ảnh hưởng đế an ninh trật tự, ảnh hưởng đến chính sự phát triển bình thường của lứa tuổi này, và đồng thời cũng phát sinh không ít những hiệu ứng tiêu cực trong xã hội, tác động không nhỏ đến nguồn lực lao động trong tương lai. Làm thế nào để nắm bắt và phân tích xu thế, quy luật của hiện tượng này và đồng thời có những đối sách đúng đắn để điều chỉnh, định hướng, giảm thiểu vấn đề này là một việc làm hết sức cấp bách và trọng yếu.

Phải thừa nhận một thực tế là, tỷ lệ phạm tội của lứa tuổi vị thành niên ngày một cao: theo số liệu thống kê, năm 2007 cả nước xảy ra 50.878 vụ phạm pháp hình sự và 29.805 đối tượng bị bắt giữ trong đó có 3.234 bị can dưới 18 tuổi (chiếm 10,85%); năm 2007 và 3 tháng đầu năm 2009, riêng trẻ em dưới 16 tuổi đã gây ra 7.000 vụ (chiếm 70%). Nghiên cứu cho thấy, vị thành niên liên quan đến án hình sự ngày một gia tăng liên quan đến các vụ việc như gây rối, ẩu đả, trộm cắp, cướp giật, hiếp dâm, bắt cóc ngày một gia tăng về số lượng vụ việc và có tính chất nghiêm trọng. Điều đau lòng là lứa tuổi  phạm tội ngày một trẻ hóa, thực tế này khiến các nhà lãnh đạo, quản lý và giáo dục thanh thiếu niên không thể không suy nghĩ. Một “đặc trưng” nữa của vị thành niên phạm tội là trình độ văn hóa của nhóm tuổi này ngày một thấp, đối tượng phạm tội mang tính “nông thôn hóa” (tức là trước đây chủ yếu là ở các khu vực đô thị lớn nay đã và đang lan dần đến khu vực nông thôn, thậm chí vùng sâu, vùng xa).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này chủ yếu xuất phát từ hai nhân tố: một là ảnh hưởng của nhân tố ngoại tại; hai là ảnh hưởng của nhân tố nội tại, tự thân. Gia đình, trường học, xã hội và các thiết chế xã hội khác thiếu sự quan tâm, khuyết vị trong giáo dục, dẫn đến sự buông lỏng trong quản lý, giáo dục, đó là yếu tố ngoại nhân (nguyên nhân bên ngoài). Đồng thời có thể thấy, đối tượng này bản thân do tuổi còn nhỏ, trình độ văn hóa thấp, năng lực nhận thức còn yếu, năng lực nhận thức pháp luật còn hạn chế, năng lực khống chế bản thân kém… đây chính là yếu tố nội nhân (nguyên nhân bên trong) của vấn đề. Tuy thế, đối với việc phân tích, tìm hiểu vấn đề thanh thiếu niên phạm pháp, từ góc độ xã hội học mà nói, chúng tôi chủ yếu “xem trọng” yếu tố ngoại nhân.

Nguyên nhân từ gia đình: điều tra phát hiện, rất nhiều gia đình đối với thanh thiếu niên tồn tại một vấn đề đáng quan tâm là “3 không”: không quản lý (buông lỏng), không biết quản lý, không thể quản lý, từ đó dẫn đến tình trạng hoặc là “thất quản”(không quản lý, mất đi sự quản lý từ phía cha mẹ và người lớn), hoặc là “thoát quản” (thoát ly tương đối khỏi sự quản lý từ gia đình hoặc gia đình quản lý không xuể), bên cạnh đó là tác động từ những hành vi xấu của môi trường xã hội bên ngoài và thêm vào đó là năng lực tự chủ bản thân kém, ý thức pháp luật ấu trĩ… dần dà vị thành niên không tránh khỏi sa vào con đường phạm pháp. Đặc biệt là các gia đình cha mẹ li dị, cha mẹ có những hành vi phạm pháp, cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ nghiện hút… sẽ là “chất xúc tác” rất thuận lợi cho các em lầm đường lạc lối.

Nguyên nhân từ phía nhà trường: Có thể khẳng định rằng, hiện nay chúng ta qúa xem nặng việc “dạy chữ” mà coi nhẹ việc “dạy người”; việc phát hiện, quản lý, giáo dục, định hướng cho các em học sinh cá biệt còn lơ là. Cầu nối giữa nhà trường gia đình còn lỏng lẻo (nếu không muốn nói là rời rạc, có chăng chỉ là “cầu nối” về điểm số và học phí).

Nguyên nhân từ phía xã hội: Điều dễ dàng nhận ra là ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường; cảnh tình dục và bạo lực không thiếu trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là tivi và internet cũng là những tác nhân không kém phần “quan trọng” đẩy các em vào con đường phạm tội .

Do vậy, trong điều kiện xã hội và tình hình mới như hiện nay, việc tăng cường quản lý và giáo dục luôn là biện pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang “giải quyết vấn đề thanh thiếu niên phạm tội” còn mang tính phiến diện, thiếu đồng bộ, chủ yếu nặng về “chống” hơn là “phòng”. Do vậy, theo chúng tôi, nên lập kế hoạch và đưa ra biện pháp cho đối tượng là những trẻ đã phạm pháp, đồng thời cũng có biện pháp dự phòng cho đối tượng có nguy cơ phạm tội hoặc nhóm thanh thiếu  niên chưa từng phạm pháp, có như vậy mới có thể vừa ngăn chặn, vừa đẩy lùi được vấn đề xã hội này. Đối với những đối tượng đã phạm pháp, cần có biện pháp giáo dưỡng hợp lý, răn đe, uốn nắn, định hướng và giáo dục cho các em nhận thức được bản thân, làm chủ bản thân, tăng cường giáo dục tư tưởng, giáo dục pháp luật và ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trình độ văn hóa, giúp các em có được niềm tin vào cuộc sống, yêu thích và tôn trọng lao động đúng như giá trị lao động mang lại. Bên cạnh đó cần phối kết hợp giữa các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội trong việc giáo dục cho các em. Trong nhà trường, cần xem trọng và tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho học sinh (đặc biệt là môn giáo dục công dân không đơn thuần là những bài giảng triết lý khô khan, giáo điều mà cần phải vận dụng thực tiễn, sát với thực tiễn và đồng thời phải có đội ngũ giáo viên về môn này thật chuyên nghiệp). Một khía cạnh nữa mà chúng tôi muốn nói là nên chăng tiến hành phổ cập giáo dục đến bậc trung học phổ thông, có như vậy các em mới có điều kiện tiếp thu những kiến thức trước khi bước vào đời, tiếp nhận được một liều “vaccine” miễn dịch với các hiện tượng lệch lạc xã hội.

Đối với nhóm thanh thiếu niên “bình thường”, khác, cũng cần tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, tính tích cực phòng vệ để tạo sự “miễn dịch” cho bản thân trước những cám dỗ xã hội; giáo dục pháp chế trong nhà trường, tăng cường quan niệm pháp chế và ý thức tuân thủ pháp luật theo kiểu mưa dầm thấm lâu; tăng cường ý thức phòng ngừa tội phạm trong giáo trình học đường cũng như trong gia đình. Tăng cường công tác bảo đảm xã hội, đối với những đối tượng không muốn tiếp tục học hoặc thành tích học tập giảm sút, cần tiến hành nắm bắt, phân loại và có biện pháp giáo dục, lập hồ sơ quản lý đối với những đối tượng bỏ học giữa chừng (kết hợp với các đoàn thể khác, kể cả khu vực dân cư, khu phố), tăng cường các trường dạy nghề. Đồng thời với nó, cần tinh lọc và rà soát các kênh thông tin đại chúng, giảm thiểu những hành vi bạo lực và tình ái trần trụi trên các phương tiện này (đặc biệt là siết chặt quản lý mạng internet). Hơn thế nữa, cần tạo điều kiện và giúp các em tham gia nhiều vào các hoạt động xã hội lành mạnh: các hoạt động công ích, tham gia lao động, giáo dục ý thức lao động và quý trọng sức lao động. Có như thế, chúng ta mới vừa dự phòng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng thanh thiếu niên phạm tội như hiện nay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ