SỰ NGỌT NGÀO CỦA VỊ ĐẮNG

Sự ngọt ngào của vị đắng

Cuộc sống luôn chứa đựng trong nó những điều kỳ diệu và trong những điều kỳ diệu đó có tình yêu. Đến lượt mình, tình yêu lại làm cho cuộc sống thêm thi vị, có ý nghĩa và trở nên sống động hơn. Tuy thế, tình yêu không phải và không bao giờ là một thứ mật ngọt đơn thuần mà còn hàm chứa trong nó cả những “vị đắng”. Chính những vị đắng này lại làm cho tình yêu thêm ngọt ngào hơn, cuộc sống thêm thi vị hơn. Tình yêu nam nữ cũng không là ngoại lệ và ta bắt gặp sau đây một vị đắng (mà trong nó lại có sự ngọt ngào): Ra về anh có dặn rằng / đâu hơn em kết, đâu bằng đợi anh.

Hãy lắng nghe tiếng nấc nghẹn ngào, sự luyến tiếc, nỗi day dứt của một trái tim (có thể là hai trái tim, hai người đang yêu nhau) sau cái từ “ra về”. Hình như thường ngày, người ấy cũng ra về (sau những lần gặp nhau), nhưng sao hôm nay sự “ra về” này lại kéo theo một nỗi buồn vô hạn, một sự day dứt khôn nguôi… Lần trước, sau sự ra về là những nụ cười (có thể có cả những nụ hôn) sao bây giờ, hôm nay lại là một lời “dặn”. Mà “dặn” chứ không phải là “bảo”, là “nói”. “Bảo” là nói ra những điều gì đó với người ngang hàng hay người dưới, cũng có nghĩa là nói cho biết để theo đó mà làm, nó mang tính mệnh lệnh, sai khiến; còn “nói” thì thường dùng trong giao tiếp bình thường. Nhưng “dặn” là nói một điều gì đó thường mang tính chất quan trọng, ở đó thể hiện sự quan tâm, lo lắng và “dặn” thường kết tinh cả những tình cảm trong nội hàm của nó. Thì ra, hôm nay lại là ngày không may: có sự trục trặc nào đó trong tình yêu của họ? Họ không hợp nhau? Bố mẹ ngăn cản? Một người phải đi xa (còn người kia phải chờ đợi)? Sự xuất hiện của một “nhân vật thứ 3”? Em (anh) không còn yêu nhau (em) nữa?... Và có thể còn nhiều nguyên nhân khác nữa? Vâng, có thể lắm chứ! Cũng có thể do một trong những nguyên nhân trên, có thể do tất cả và cũng có thể là không phải một nguyên nhân nào cả! Anh sẽ tạo điều kiện cho em “lựa chọn”, em hãy “chọn mặt gửi vàng” đi! Nếu thế, quả đây là một sự đột phá trong tình yêu thời bấy giờ. Với cái lễ giáo phong kiến khắt khe lúc bấy giờ thì cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy làm gì có sự tự do lựa chọn bạn tình và tự do “ra về” như thế! Đây chính là cái độc đáo trong cách nghĩ, cái nhìn rất “thoáng” trong tình yêu. Nhưng ở đây không phải là một sự “quất ngựa truy phong”, vô trách nhiệm trong tình yêu hay là: “Đã yêu thì yêu cho chắc, bằng như có trúc trắc thì trục trặc cho luôn”. Đúng là có “trúc trắc” nhưng anh không muốn làm “trục trặc cho luôn”, bởi: “Đâu hơn em kết, đâu bằng đợi anh”.
Anh không phải là kẻ “phá bĩnh” trong tình yêu. Đằng sau những bước chân bịn rịn “ra về”, sau lời “dặn” tha thiết kia là một tâm trạng chờ đợi, hy vọng: “đợi anh”. Có thể nói, đây là một tình yêu thật thà nhưng cháy bỏng, tha thiết mà không vồ vập, sôi nổi mà không phô trương, văn hoa bóng bẩy nhưng vẫn trung thực và hết mình. Hình như sau cái từ “đợi anh” đã nói lên được điều đó: một tình yêu, một con người chung thủy. Nhưng sự chung thủy này không biểu hiện “cực đoan” mà rộng mở cho cô gái một con đường để lựa chọn “đâu hơn em kết”. Có thể lắm chứ, có thể có những chàng trai hơn anh về mọi mặt, yêu em hơn, hợp với em hơn… thì em có quyền “kết”. Sau cái từ ngữ “bình dân” ấy lại một sự suy nghĩ “bác học”, ở đó thể hiện sự cao thượng trong tình yêu (và một cú gì đó của hơi thở của sự tự cao?), sẵn sàng nhường bước cho ai đó, sẵn sàng tạo ra cơ hội cho đối phương lựa chọn nhưng cũng sẵn sàng hiện hữu khi được đối phương chấp nhận tình yêu của mình: “Đâu hơn em kết, đâu bằng đợi anh”. “Đợi anh”cũng có nghĩa là chàng trai đã “giao quyền”, tạo thế chủ động cho cô gái nhưng sau đó là cả một tâm trạng lo lắng, hồi hộp: Em “đợi anh” nhưng anh vẫn luôn sẵn sàng “đợi em”, “anh đợi”. Bởi anh vừa tạo cơ hội cho em “đâu hơn em kết” nhưng anh cũng hiểu rằng, với tấm lòng chân thật, với tình yêu say đắm, thủy chung của anh thì “đâu hơn”? Đâu hơn là công thức ngôn ngữ được sử dụng như một thứ thủ pháp. “Đâu hơn” cũng hàm nghĩa là đây đã là trên hết. Điểm độc đáo trong việc vận dụng ngôn ngữ của câu ca dao là ở chỗ này. “Đâu hơn”, “đâu bằng” là những thủ pháp ngôn ngữ độc đáo được sử dụng một cách hợp lý và đắt giá trong câu ca dao này. Nó vừa thể hiện sự khoan dung, độ lượng, sự rộng mở và bình đẳng trong tình yêu nhưng nó cũng vừa là sự khẳng định tất yếu cái hiện hữu của tình yêu hiện tại là cao thượng, là đẹp đẽ, là vĩnh cửu, là thủy chung; nó cũng thể hiện sự tự hào (có chút tự cao), sự tự khẳng định mình của chủ thể tình yêu trong câu ca dao. Đây chính là “sự ngọt ngào của vị đắng” tình yêu!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ