LUÔN HƯỚNG VỀ NHAU...
Luôn hướng về nhau
Trong
kho tàng văn học dân gian, tình yêu thương vợ chồng “chiếm” một vị trí không nhỏ.
Vì sao vậy? Có hai lẽ: thứ nhất, tình cảm vợ chồng là sự thăng hoa đẹp nhất của
tình yêu nam nữ. Nếu như tình yêu nam nữ chỉ “dừng lại” ở cái “tình” thì tình
yêu thương giữa vợ và chồng còn tạo nên một thứ nữa, cái “nghĩa”. Tình và nghĩa sẽ là một thứ keo
dính, những sợi dây tình cảm để “trói buộc” hai con người, để rồi: “Anh đi anh
nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”, để rồi: “Chồng ta áo rách ta
thương”… thứ hai, đối với một người Việt Nam , gia đình là một giá trị, nó là một
tổ ấm (theo đúng nghĩa của nó) để sưởi ấm con người, nó là một pháo đài để che
chở, là bệ phóng để đưa con người tiến lên… “Gái thương chồng đương đông buổi
chợ, trai thương vợ nắng quái chiều hôm” là một minh chứng.
Đầu
tiên khi xét về kết cấu âm tiết, ngữ điệu… thì đây là một câu ca dao “lạ”. Nếu
như có một nhận định rằng, ca dao phải là tứ thơ lục bát (6-8) thì trong trường
hợp này, nhận định đó không đúng hay chí ít thì đây là trường hợp ngoại lệ. Cái
độc đáo lại nằm ngay chỗ này: khi một tình cảm trào dâng, dạt dào không thể kìm
nén, “gói gọn” vào những “khuôn phép” bình thường thì, tự bản thân nó, tìm đến
một hình thức mới, “khuôn phép” mới để biểu đạt. Cách biểu đạt này hoàn toàn
phù hợp với tính cách tâm lí của những người nông dân chân lấm tay bùn; chân
tình, giản dị, mộc mạc mà không kém phần mãnh liệt, thật là “đã yêu thì bảo rằng
yêu…”. Cái tinh tế nằm ngay trong cái giản dị, cái cuồng nhiệt nằm ngay trong
cái thư thái, cái tình cảm mảnh liệt nằm ngay trong những câu nói chân chất…
Nhưng
tại sao lại “thương chồng đương đông buổi chợ”. Thương chồng trong lúc đương
đông buổi chợ (tức chợ đang đông, nhân vật đang đi chợ) hay thương chồng “tựa”
như “đương đông buổi chợ” (cái “sôi nổi”, “náo nhiệt”… của một buổi chợ đang
đông; nhân vật có thể không ở chợ)? Hay một ý nghĩa nào khác chăng?
Nếu
theo cách hiểu thứ nhất (nhân vật đang ở chợ), tức là khi một người phụ nữ (một
người vợ, một người mẹ) đóng vai trò của một người nội trợ, họ muốn làm tốt vai
trò đó của mình: mua gì, nấu như thế nào để hợp khẩu vị của chồng. Làm sao mà
những thứ mà mình mua, mình nấu càng “kết tinh” nhiều tình cảm của mình vào đó
càng có ý nghĩa, cho dù đó là “canh rau muống” hay “cà dầm tương”. Để rồi một
ngày nào đó, những thứ mà vợ nấu và vợ mua trở thành một “tài sản” vô hình, một
nỗi nhớ hiện hữu và thường trực trong trái tim người chồng, để rồi “anh đi anh
nhớ… canh rau muống, cà dầm tương… ” em là em chứ không ai khác.
Còn
cách hiểu thứ hai: cái náo nhiệt, sôi động, muôn màu, muôn vẻ… của một buổi chợ
“đương đông” được “ví” như cái tình cảm của người vợ đối với người chồng thân
yêu của mình? Không phải là không có lý nhưng hình như nó ngường ngượng làm sao
ấy! Nó trừu tượng quá, xa xôi quá thì phải? Chắc gì cái buổi chợ “đương đông” ấy
không có sự hổn độn xô bồ, ồn ào và có khi “bất quy tắc”. Chẳng lẽ tình cảm của
người vợ đối với chồng lại mang cả những “đặc tính” này? Dân gian ta có câu “ồn
như cái chợ”, có khi cái chợ lại “đối lập” với gia đình “khôn nhà dại chợ”… Như thế cách hiểu này dường như chưa ổn lắm,
chưa phù hợp với tính cách tâm lý của người nông dân cho lắm? Nó càng “không ổn”
khi xét đến câu sau: “Trai thương vợ nắng quái chiều hôm”. “Nắng quái” là thứ nắng
yếu ớt lúc chiều tà, khi mặt trời đã hạ xuống dưới đường chân trời, ánh nắng
lúc này chỉ là những tia khúc xạ yếu ớt… Chẳng lẽ “gái thương chồng” một cách nồng
nhiệt đến thế (buổi chợ đông) mà “trai” chỉ “đáp lại” bằng cái tình cảm yếu ớt,
nhạt nhẽo, “khúc xạ” thế sao?. Với hai câu thất ngôn dường như ở thế “biên ngẫu”
để diễn tả cái tình cảm “sóng đôi” của tình nghĩa vợ chồng không cho phép ta hiểu
theo cách này.
Thế
còn cách hiểu nào nữa chăng? Có thể! Nếu xét chữ “đương”, ta thấy, “đương” là một
phương ngữ nhưng liệu nếu thay “đang” cho “đương” có được không? Nếu như thế
thì câu ca dao đâu còn vẻ đẹp của nó! “Đang” là từ biểu thị một sự việc, một hiện
tượng diễn ra chưa kết thúc trong thời điểm được xem là thời điểm mốc (thường
là trong hiện tại, ngay khi nói). “Em đang thương anh” chỉ cho chúng ta một
thông điệp, hiện tại, tình cảm đó là xác định: đang thương. Còn quá khứ (trước
đây), tương lai thì sao: không ai có thể “và dám” tiên đoán được! Nhưng nếu là
“đương” thì khác. “Đương thương” có nghĩa là đã thương, đang thương và sẻ
thương. Hơn thế nữa, “đương” còn có ý nghĩa là một hành động “nhận lấy về mình
để là” về một công việc, trách nhiệm to lớn và nặng nề. Hai chữ “đương” trong
hai vế của câu tục ngữ như một bản lề khép mở giữa quá khứ và tương lai, là chất
keo kết dính hai con người “trai – gái”, giữa cái “tình” và cái “nghĩa” của vợ
chồng. Nó còn phản ánh sự dấn thân, chia sẻ, đùm bọc, hy sinh cho nhau hay nói
đúng hơn là một sự chung thủy, có trước có sau. Hơn thế nữa cái cái độc đáo của
cách dùng từ “gái” và “trai”: “vợ” ở đây được dùng là “gái”, “trai” được thay
thế cho “chồng”. Cái tình cảm vợ chồng (dù ở tuổi nào, già hay trẻ), đều dào dạt,
mảnh liệt như tình cảm lúc đang yêu, như tình cảm của người con “trai” và người
con “gái” như “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.
Theo
cách hiểu này “đương đông buổi chợ” hay “nắng quái chiều hôm” có ý nghĩa là hai
ngữ cảnh, hai không gian, hai thời gian, hai tình huống, hai trạng thái tâm lý…
trong muôn hình vạn trạng, những tình huống trong cuộc sống: “chợ đương đông”,
“nắng quái chiều hôm” là hai trạng thái, tình huống đối lập giữa một bên là sự ồn
ào, náo nhiệt… của một buổi chợ; một bên là sự trầm lặng, buồn bả… của một chiều
hoàng hôn. Nhưng dù sao, dù hoàn cảnh nào thì tình cảm của vợ chồng vẫn luôn
vĩnh hằng, trước sau như một, vợ chồng vẫn luôn hướng về nhau, vì nhau và luôn
hướng về tương lai phía trước mặc cho những khó khăn còn hiện hữu trong cuộc sống
thường nhật. chính lẽ đó, dù đời sống vật chất trước đây có khó khăn, còn “râu
tôm nấu với ruột bầu”, còn “chồng em áo rách”, nhưng tình cảm tha thiết, thủy
chung của vợ chồng đã vượt lên tất cả, hạnh phúc luôn hiện hữu trong mỗi mái
tranh nghèo. Đấy là điều khiến chúng ta cần phải suy nghĩ, trăn trở trong cuộc
sống gia đình hiện tại: đời sống vật chất tăng lên nhưng nó đang là một “đại lượng”
tỉ lệ thuận với các cuộc ly hôn và tỉ lệ nghịch với vấn đề hạnh phúc gia đình.
Do đó, câu ca dao “Gái thương chồng đương đông buổi chợ, trai thương vợ nắng quái
chiều hôm” vẫn còn mang tính thời sự nóng bỏng.
Nhận xét
Đăng nhận xét