CHẤT VẤN - TRANH LUẬN HAY HỎI VÀ ĐÁP

Tranh luận hay hỏi và đáp?
Trong những kỳ họp Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn là phần được cử tri quan tâm, theo dõi nhiều nhất. Bởi chính qua đó, cử tri mới giải tỏa được những trăn trở, bức xúc những vấn đề đã và đang tồn đọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, qua 2 ngày theo dõi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, chúng tôi – những cử tri – cảm thấy hoạt động này thiên về “hỏi” và “đáp” nhiều hơn, cái cứu cánh của chất vấn và trả lời chất vấn là nhằm phân tích rõ trách nhiệm trong điều hành, quản lý chứ không dừng lại ở việc giải đáp chính sách, hỏi đáp thông thường, càng không phải là một “diễn đàn khoa học”. Hỏi và đáp là phương tiện chứ không phải là mục đích của CV và TLCV. Thông qua việc hỏi và đáp, không chỉ để kiểm tra, kiểm điểm những chuyện đã qua mà còn tìm giải pháp để thúc đẩy đất nước phát triển, tránh những vết xe đổ. Do vậy, trả lời chất vấn không nên viết thành văn bản và đọc như một báo cáo điều này vừa tốn thời gian, vừa không đi đúng vào mục đích của “sinh hoạt”này.
Không thể dùng “báo cáo giải trình dài 24 trang… trình bày hơn một giờ đồng hồ” và kết thúc đúng vào giờ nghĩ của Quốc hội, “vì vậy, ông bộ trưởng đầu tiên “thoát” phần chất vấn trực tiếp…” (Tuổi trẻ 26-11-2002). Như thế, theo chúng tôi, chất vấn mất đi ý nghĩa đích thực của nó.
Vấn đề này thiết nghĩ, chủ tịch đoàn mà cụ thể là người chủ trì, điều hành cần phải khống chế thời gian sao cho khoa học và hợp lý. Chẳng lẽ những vấn đề bức xúc, đau đầu về giáo dục vừa qua: cải cách sách giáo khoa, vấn đề giáo dục phổ thông, công tác tổ chức thi cử “ba chung” nhiều phiền toái… lại “bị” bỏ quên, không làm rõ trách nhiệm? Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển cho rằng: “bây giờ không còn cách nào khác là tập hợp anh em ngồi lại với nhau…”. Điều này cũng đồng nghĩa với chuyện trước đây họ (những quan chức trong Bộ Giáo dục và Đào tạo) “không ngồi lại với nhau”: mỗi người làm mỗi kiểu, không có sự thống nhất trong tổ chức.
Các bộ trưởng nhận những khuyết điểm là một điều đáng ghi nhận, tuy nhiên cũng chỉ dừng lại ở “trách nhiệm tập thể”: “Bộ giao thông vận tải xin nhận khuyết điểm”, “chúng tôi nghiêm túc nhận khuyết điểm”. Thiết nghĩ cũng cần có những “cái tôi” chịu trách nhiệm kèm theo đó là những hình thức “kiểm điểm” đi kèm với khuyết điểm, có như thế mới thể hiện được sự công bằng và dân chủ.
Về phía đại biểu Quốc hội, theo chúng tôi, trước khi hỏi phải biết rõ chức năng của bộ nghành mà mình muốn hỏi, tránh những câu hỏi quá cụ thể, quá “lý sự” cũng như quá chung chung. Như thế những câu hỏi được đưa ra mới được giải trình cụ thể, rõ ràng.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn không thể dừng lại ở chuyện hỏi và đáp, dừng lại ở chỗ “hỏi” và “thanh minh”, giải trình. Nó phải được nâng lên một tầm cao hơn: tranh luận, phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng người, từng việc để thấy rõ những gì chưa được, còn tồn đọng nhằm hướng khắc phục, tìm ra những giải pháp căn cơ làm động lực cho đất nước phát triển. Chất vấn và trả lời chất vấn không thể và không nên dừng lại ở “quyền” (quyền giám sát của Quốc hội) và “nghĩa vụ” (nghĩa vụ trả lời chất vấn của các bộ trưởng) mà nó phải là trách nhiệm về phía đại biểu Quốc hội, trách nhiệm ấy thể hiện ở chiếc cầu nối giữa nhân dân với nhà nước. Trách nhiệm của những người đại diện nhân dân nói lên tiếng nói của mình về những điều bức xúc đang tồn đọng trong cuộc sống; về phía Đảng, Nhà nước mà cụ thể là các bộ trưởng – những người trực tiếp trả lời chất vấn, có trách nhiệm phân tích cụ thể, rõ ràng, tỉ mỉ những vấn đề bức xúc của nhân dân, trách nhiệm của những người quản lý, hoạch định chính sách. Có như vậy, chất vấn và trả lời chất vấn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn và đúng tầm, đúng ý nghĩa của nó, cử tri mới cảm thấy thỏa mãn, và tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ