TỌA ĐỘ HẠNH PHÚC

1. Tọa độ hạnh phúc?
Có một nhà thơ đã viết: Hạnh phúc là gì bao lần ta bối rối, hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi không ra. Hạnh phúc là gì? Một câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng thật ra không đơn giản chút nào. Hạnh phúc như một câu đố mà khi hỏi một ngàn người thì sẽ có một ngàn đáp án không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau. Vì sao vậy? Đơn giản chỉ vì hạnh phúc là “sự cảm nhận”, “cái cảm giác” hay “cảm thấy”… mà thôi. Có người đánh đồng hạnh phúc với tiền bạc, địa vị, chức quyền, danh vọng; có người lại lấy sự nghèo khổ, lam lũ, chật vật, thiếu thốn cho là bất hạnh; có người lại “tìm thấy” hạnh phúc từ người khác bằng phép so sánh giản đơn: mình “hạnh phúc hơn người ta”; có người nhận chân hạnh phúc ngay trong chính hoàn cảnh thực tế của mình (công việc, gia đình, quan hệ xã hội) v.v… Nhưng nếu nghiêm túc mà nói, hạnh phúc là một khái niệm rất phức tạp nhưng cũng rất giản đơn; vừa mang tính vật chất vừa là “lực lưỡng” tinh thần; vừa cảm tính vừa lí tính; rất trừu tượng mà cũng hết sức cụ thể; rất xa vời nhưng cũng rất gần gũi; rất lãng mạn nhưng cũng hết sức thiết thực và thực tế. Hạnh phúc ở đâu? Hạnh phúc luôn ở trong lòng mỗi người chúng ta! Chính vì vậy mà hạnh phúc vừa rất xa mà cũng vừa rất gần, gần đến nỗi: hỏi thăm hoài mà nghĩ mãi không ra!
Trên một bình diện rộng mà nói, ta có khái niệm về hạnh phúc của loài người, của toàn nhân loại trên thế giới, kế đến là hạnh phúc của một quốc gia, giai cấp, một dân tộc, một cộng đồng người; ở một góc độ hẹp hơn ta có dòng họ hạnh phúc, gia đình hạnh phúc và hạnh phúc của mỗi một con người. Lẽ đương nhiên, để có một “cộng đồng” hạnh phúc thì mỗi cá nhân (hay chí ít là đa số cá nhân trong cộng đồng đó) phải có hạnh phúc (chẳng hạn không thể nói một dân tộc hạnh phúc mà đa số người dân còn nghèo đói, bệnh tật), và ngược lại, cá nhân tìm thấy hạnh phúc trong chính cộng đồng mà anh ta đã đang và sẽ sống, vì một lẽ giản đơn là không ai cảm thấy hạnh phúc khi phải sống trong sự cô đơn. Chính lẽ đó mà có nhiều người luôn cảm thấy hạnh phúc khi họ biết sống vì mọi người; không tư lợi, không vị kỷ. Bởi, đối với họ, chính những lúc mà mọi người được hạnh phúc thì họ mới cảm nhận được, cảm thấy được hạnh phúc.
Bên cạnh đó, chúng ta cần phải thừa nhận rằng, hạnh phúc chỉ được tìm thấy trong lao động và sáng tạo. Ai cũng hiểu rằng, hạnh phúc không chỉ là sự hưởng thụ sự sung sướng cả về mặt vật chất và tinh thần, như thế, nếu có chỉ là sự “ăn mòn”, “gặm nhấm” hạnh phúc mà thôi. Đừng nhầm tưởng rằng hạnh phúc là vô lượng, vô biên, bất biến hay vĩnh cửu. Hạnh phúc luôn có giới hạn, luôn thay đổi. Hạnh phúc được “sinh ra” trong lao động và sáng tạo, trong sự làm việc không mệt mỏi mới là hạnh phúc trường tồn. Chỉ có những người không ngừng lao động, sáng tạo mới sản sinh ra hạnh phúc. Nói một cách khác, lao động và sáng tạo là chất dầu nhờn để “bôi trơn” cỗ máy hạnh phúc. Trong thực tế, không ít người “ngồi trên đống vàng” mà luôn cảm thấy bất hạnh; có nhiều người “ngự trên ngai vàng”, quyền cao chức trọng, “lên xe xuống ngựa”, mà luôn cảm thấy “bất an”, “ăn không ngon, ngũ không yên”. Vì sao vậy? Bởi họ đã hiểu nhầm khái niệm hạnh phúc, họ đã không “nhìn” hạnh phúc từ góc độ lao động và sáng tạo, không coi lao động và sáng tạo là hệ trục tọa độ vô cùng quan trọng để xác định tọa độ của hạnh phúc.
Nguyễn Đình Chiểu rất có lý khi nói rằng: “dù cho trước mắt mù lòa, còn hơn có mắt ông cha không thờ”, tôn thờ cha mẹ, thờ cúng tổ tiên là một nề nếp, một giá trị cao quý của con người Việt Nam chúng ta, liệu ai đó “dám” bảo rằng mình “hạnh phúc” mà “ông cha không thờ, mà phủ phàng, mà miệt thị với ông bà cha mẹ của mình? Có những người nhầm tưởng rằng ruồng bỏ sự nghèo khó để tìm đến một chốn phồn hoa (giả tạo) nào đó mà đối đầu lại với quê hương, với đất nước, với dân tộc, nói xấu, xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, phủ nhận tất cả những thành quả to lớn của dân tộc ta trong lịch sử thì hạnh phúc (?!). Quả thật, cho dù họ có “ngồi trên đống vàng” cũng không thể nói là hạnh phúc. Trái lại đó là sự bán rẻ lương tâm, phản bội dân tộc. Đó là môt điều bất hạnh ghê gớm. Thêm nữa, có người nhầm tưởng tiền bạc, danh vọng, tỉ lệ thuận với hạnh phúc: chễm chệ ngồi trên chiếc ghế danh vọng càng cao, càng “kiếm” được nhiều tiền thì càng “hạnh phúc”. Những người này sẽ bất chấp pháp luật, chà đạp lên lợi ích của cộng đồng để đạt được cái mục đích mà họ mong muốn: mua quan bán tước, tham nhũng, coi thường pháp luật… Rồi một ngày, họ ngồi sau song sắt mà “ngộ” ra một chân lí giản đơn: hạnh phúc không phải là nhiều tiền, nhiều của, địa vị, quyền thế mà có khi chỉ giản đơn là tiếng gọi cha từ miệng của đứa con mình, là một bờ vai của người thân để tựa đầu sau giờ làm việc mệt mỏi, là một lời động viên an ủi của người thân khi thất bại… Chính họ đã vò nát hạnh phúc trong bàn tay của mình mà không hề hay biết.
Hạnh phúc không phải từ trên trời rơi xuống, hạnh phúc luôn trong bàn tay, khối óc, trong cách nghĩ, cách làm; trong cách cảm nhận của mỗi người. Hạnh phúc cũng không ở trên không trung mà nó luôn thường trực trong đời sống hằng ngày của chúng ta, nó hiển hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nó kết tinh trong lao động và sáng tạo của con người và nó gắn kết với nhu cầu, lợi ích, niềm tin chung của cộng đồng, của đất nước. Hạnh phúc có ở quá khứ, ở hiện tại và có ở tương lai. Ai cũng có thể (và có quyền) cảm nhận hạnh phúc và “truyền” hạnh phúc cho người khác. Đó chính là hạnh phúc chân chính.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ